Mỹ muốn ngăn chặn xung đột Gaza “di căn”
VOV.VN - Trăn trở vấn đề Gaza, Ngoại trưởng Mỹ Blinken hôm nay (8/1) thăm Saudi Arabia trong khuôn khổ chuyến công du trong 1 tuần đến một loạt quốc gia và lãnh thổ ở Trung Đông gồm Qatar, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bờ Tây và Ai Cập.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ nhằm kêu gọi các quốc gia sử dụng quan hệ và ảnh hưởng của mình để hoạch định tương lai cho Gaza hậu xung đột.cũng như gây tác động kiểm soát những điểm nóng khác.
Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo chung tại Đô-ha ngày hôm qua với Thủ tướng Qatar Mohammet Bin Abdulrahman Al Thani, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh “đây là một cuộc xung đột có thể dễ dàng lây lan, gây ra nhiều bất ổn hơn và thậm chí nhiều đau khổ hơn”.
Ngăn chặn xung đột lan rộng, bảo vệ dân thường là trọng tâm chính của chuyến thăm thứ 4 của ông Blinken tới khu vực kể từ ngày 7/10/2023: “Dân thường Palestine phải được trở về nhà ngay khi điều kiện cho phép. Họ không thể và không nên bị ép buộc phải rời khỏi Gaza. Chúng tôi bác bỏ tuyên bố của một số bộ trưởng và nhà lập pháp Israel kêu gọi tái định cư người Palestine bên ngoài Gaza. Những tuyên bố đó là vô trách nhiệm, mang tính kích động và chúng chỉ gây khó khăn hơn cho việc đảm bảo một Gaza do người Palestine lãnh đạo trong tương lai”.
Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đảm bảo với các nhà lãnh đạo Arab rằng Mỹ phản đối việc cưỡng bức di dời người Palestine khỏi Gaza hoặc Bờ Tây. Các nước Arab mà Ngoại trưởng Mỹ đến thăm đều kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, cho rằng những hình ảnh liên tục về cái chết và sự tàn phá ở Gaza đang khiến mọi người trở nên “vô cảm” hơn trước nỗi kinh hoàng của những gì đang xảy ra.
Đồng quan điểm, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell và Ngoại trưởng Pháp cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ leo thang khu vực ở Trung Đông và cảnh báo Israel rằng “sẽ không ai thắng được trong một cuộc xung đột khu vực”.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken diễn ra trong bối cảnh những diễn biến bạo lực gần đây ở Lebanon, miền bắc Israel, trên Biển Đỏ và việc Iraq khởi động quá trình trục xuất lực lượng liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đang là những nhân tố có thể châm ngòi cho một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông.
Đặc biệt giới chuyên gia cảnh báo về khả năng bùng phát bạo lực "trên các mặt trận khác, đặc biệt là tại Bờ Tây" và biên giới Israel- Lebanon. Thêm vào đó, giới chức quốc phòng và cựu quan chức tình báo Israel dự đoán giao tranh ở Gaza sẽ tiếp tục trong ít nhất một năm, làm tăng thương vong và tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định trong khu vực.
Trước sự bất bình của các nước Arab về hành động quân sự thái quá của Israel ở Gaza, Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông đã yêu cầu Israel phải điều chỉnh chiến dịch quân sự để giảm thương vong cho dân thường và tăng đáng kể lượng viện trợ nhân đạo đến Gaza, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị một kế hoạch hậu xung đột tại dải Gaza được tất cả các bên chấp thuận.
Mỹ muốn các nước trong khu vực, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đóng vai trò trong việc tái thiết, quản lý và đảm bảo an ninh ở dải Gaza thời hậu chiến và sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình trong khu vực để ngăn chặn xung đột Israel-Hamas lan rộng hơn nữa. Ngoại trưởng Mỹ sẽ gây thêm áp lực để Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hành động nhiều hơn nữa nhằm bảo vệ dân thường ở Gaza, cho phép nhiều viện trợ hơn vào Gaza và ngăn chặn việc tái định cư hàng loạt người Palestine.