Mỹ ném bom vào kho tiền của IS, 800 triệu USD biến thành tro bụi
VOV.VN - Máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu đã oanh kích tiêu hủy 800 triệu USD tiền mặt của tổ chức khủng bố IS, gây khó khăn lớn cho hoạt động của chúng.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, các đợt không kích của liên quân chống IS đã tiêu hủy tới 800 triệu USD tiền mặt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Không kích kho tiền của IS. Ảnh: Telegraph.
Tướng Peter Gersten, đang đóng ở Baghdad, cho biết Mỹ đã liên tục tấn công các “kho bạc” của nhóm khủng bố IS.
Việc đánh vào tiền bạc của IS đã khiến tỷ lệ đào ngũ trong IS tăng lên mức 90% và làm sụt giảm số kẻ gia nhập tổ chức này.
Năm 2014, Bộ Tài chính Mỹ đã gọi IS là “tổ chức khủng bố có nguồn ngân quỹ dồi dào nhất” mà họ từng biết.
Trong cuộc họp báo ngắn, tướng Gersten – phó tư lệnh chiến dịch và tình báo của liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu, cho biết gần 20 không kích đã được tiến hành nhằm vào các kho tiền của IS.
Ông này không nói rõ là bằng cách nào mà Mỹ biết được lượng tiền IS bị phá hủy. Ông cho biết, trong một trường hợp cụ thể, khoảng 150 triệu USD tại một ngôi nhà ở Mosul (Iraq) đã bị tiêu hủy.
Theo tướng Gersten, các lực lượng chống IS đã nhận được thông tin tình báo chỉ rõ phòng nào trong ngôi nhà có chứa tiền. Sau đó chính căn phòng đó bị ném bom từ trên không.
Ông nói, khó xác định chính xác lượng tiền bị tiêu hủy nhưng theo các ước tính, con số này nằm trong khoảng 500 – 800 triệu USD.
Không rõ chính xác mức độ giàu có của Nhà nước Hồi giáo nhưng vào năm 2015 tổ chức này phê duyệt ngân sách lên tới 2 tỷ USD.
Tuy nhiên sau đó tổ chức này đánh mất nhiều lãnh thổ và các mỏ dầu của chúng liên tục bị liên quân do Mỹ chỉ huy không kích.
Tình báo Mỹ cho hay, các vấn đề về tài chính đã khiến IS phải bắt đầu phải bán xe lấy tiền.
Hồi tháng 1/2016, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria cho biết, IS đã công bố cắt giảm lương chiến binh đi một nửa “do các hoàn cảnh đặc biệt mà IS đang trải qua”.
Tướng Gersten nói: “Chúng tôi đang thấy một sự suy giảm tinh thần của chúng, chúng tôi thấy ở chúng tình trạng thiếu tiền trả lương, thiếu năng lực chiến đấu và tình trạng đào tẩu”.
Ông này cho biết, một số kẻ đào ngũ khỏi IS còn giả làm phụ nữ hoặc người tị nạn ở Iraq.
Theo vị tướng này, số lượng người tới Iraq và Syria để tham chiến cho IS đã giảm xuống còn khoảng 200 người/tháng. Cách đây một năm, thời điểm cao nhất là 1.500-2.000 người/tháng./.