Mỹ - Nhật - Hàn cấp tập tìm biện pháp đối phó với Triều Tiên
VOV.VN - Giới chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang nhóm họp khẩn để bàn về các biện pháp đối phó với Triều Tiên sau những lời lẽ hết sức cứng rắn của nước này.
Các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ và Nhật Bản ngày 18/10 đã đến thủ đô Seoul để thảo luận với quan chức ngoại giao Hàn Quốc về cách tiếp cận chung trước mối đe dọa đang gia tăng từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đã phát đi tín hiệu cứng rắn khi phải chịu sức ép gia tăng từ cộng đồng quốc tế.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Tại buổi tiếp Thứ trưởng Nhật Bản Bản Shinsuke Sugiyama, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha khẳng định, thành công trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều vào việc hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Tuyên bố sau cuộc gặp nêu rõ, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cho rằng, cả 3 quốc gia nên cân nhắc tất cả các khả năng, trong đó có đối thoại và trừng phạt để đảm bảo an ninh và đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Theo kế hoạch cuối ngày 18/10, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lim Sung nam, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan và người đồng cấp Nhật Bản Shinsuke Sugiyama sẽ có cuộc hội đàm để thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó trọng tâm chủ yếu xoay quanh việc đánh giá về tình hình an ninh hiện nay cũng như giải pháp tăng cường hợp tác nhằm giảm căng thẳng trong bế tắc hạt nhân với Triều Tiên.
Các hoạt động ngoại giao con thoi của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên ngày 17/10 đưa ra những tuyên bố hết sức cứng rắn. Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức Triều Tiên cho biết, nước này chưa nghĩ đến việc ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ chừng nào chưa phát triển xong loại tên lửa có khả năng vươn tới bờ Đông của Mỹ.
Trong khi đó, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, Kim In Ryong khẳng định, chừng nào Mỹ không chấp thuận hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân thì Triều Tiên cũng không tham gia hiệp ước này".
Ông Kim In Ryong cho biết thêm, việc nước này sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa là một "biện pháp tự vệ chính đáng", bởi không có nước nào trên thế giới bị Mỹ đe dọa hạt nhân trực tiếp và cực đoan như vậy trong thời gian dài. Ông Kim In Ryong cũng nhận định tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã đến "điểm tới hạn" và chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào. “Triều Tiên sẽ không đối thoại cho đến khi đủ khả năng đánh Mỹ"
Đối với Mỹ, dù luôn một mực khẳng định theo đuổi giải pháp ngoại giao nhưng vẫn nhắc đến một lựa chọn khác đó là biện pháp quân sự. Trước đó hôm qua (17/10), trong chuyến thăm Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan kêu gọi các nước đồng minh phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất nếu biện pháp ngoại giao thất bại.
Dù không đề cập cụ thể “khả năng xấu nhất” ở đây là gì nhưng theo Reuters, điều mà vị quan chức này ám chỉ là một cuộc chiến tranh. Trên thực tế, khả năng này cũng từng được chính Tổng thống Donald Trump đề cập.
Trong bối cảnh căng thẳng liên tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ đã lên kế hoạch diễn tập sơ tán các công dân nước này khỏi lãnh thổ Hàn Quốc. Tạp chí Time của Mỹ trích thông cáo của quân đội Mỹ cho biết, cuộc diễn tập sẽ diễn ra từ ngày 23 - 27/10, nhằm chuẩn bị “cho các nhân viên và gia đình họ đối với các cuộc khủng hoảng như di tản nhân viên không tác chiến và thiên tai hay thảm họa do con người gây nên”.
Nhận định về nguy cơ xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton cho biết, nếu điều này xảy ra, sẽ không có lợi cho bất cứ bên nào.
Trong một hội thảo ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, bà Hillary Clinton khẳng định: “Số phận của hàng triệu người dân vẫn đang phụ thuộc vào việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Vì thế những lời đe dọa tiến hành chiến tranh là rất nguy hiểm và thiển cận. Nó đối nghịch với lợi ích của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc bất cứ quốc gia nào, dù là bằng cách này hay cách khác”.
Bà Clinton nhấn mạnh trong bối cảnh các đồng minh của ngày càng tỏ ra nghi ngờ về mức độ tin cậy của Mỹ, Mỹ cần tránh bị rơi vào cảnh một mình đối đầu với Triều Tiên và phải "bình tĩnh nhất có thể".
Liên quan tới Trung Quốc, bà Clinton cho rằng nước này nên tích cực hơn trong việc thắt chặt cũng như thi hành đầy đủ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên, đặc biệt gây sức ép về kinh tế buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân./.
Tổng thống Donald Trump đang đi đúng hướng trong vấn đề Triều Tiên?