Mỹ nỗ lực ngăn làn sóng chống Mỹ tại các nước Hồi giáo
(VOV) - Bộ phim gây tranh cãi được sản xuất tại Mỹ có thể làm bùng phát làn sóng phản đối trong thế giới Hồi giáo.
Biểu tình chống Mỹ đang lan rộng trong cộng đồng các quốc gia Hồi giáo, sau bộ phim gây tranh cãi có nội dung xúc phạm Nhà tiên tri Mohamad. Hệ quả nghiêm trọng của nó là vụ tấn công nhằm vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi khiến Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens và 3 nhân viên ngoại giao khác thiệt mạng.
Cuộc biểu tình của người dân Ai Cập trước Đại sứ quán Mỹ ở Cairo bước sang ngày thứ 2 (Ảnh: Reuters) |
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu vụ việc không được giải quyết ổn thỏa có thể làm bùng phát làn sóng phản đối trong thế giới Hồi giáo tương tự vụ một tờ báo Đan Mạch vẽ tranh biếm họa nhà tiên tri Mohamad năm 2006.
Sáng 13/9, đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã nổ ra trước cửa Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cairo, Ai Cập. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình. Trong ngày biểu tình thứ hai, những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu chống Mỹ và lặp đi lặp lại các khẩu hiệu ủng hộ đạo Hồi. Họ yêu cầu một lời xin lỗi từ Chính phủ Mỹ, đồng thời đe dọa tổ chức một cuộc biểu tình ngồi tại đây cho tới ngày 14/9 nếu yêu cầu này không được đáp ứng.
Trong khi đó, tại thủ đô Tunis của Tunisia, cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán khoảng 300 người biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Mỹ nhằm lên án bộ phim. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra trước đại sứ quán Mỹ ở Sudan, Nigeria, Yemen và nhiều quốc gia hồi giáo khác.
Thực tế này đã buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama lập tức điện đàm với người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai về việc làm thế nào để ngăn chặn làn sóng chống Mỹ lan sang Afghanistan sau vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi.
Trước đó, ông Obama đã chỉ thị tăng cường an ninh tại các trụ sở ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới, cũng như sẽ làm việc với Chính phủ Libya để bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ. Tổng thống Obama nhấn mạnh chính quyền của ông sẽ luôn làm những việc có thể đến khi những kẻ gây ra vụ sát hại này bị đưa ra trước công lý.
Ông nói: “Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với chính phủ Libya để đảm bảo an toàn cho các nhân viên ngoại giao. Tôi cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường an ninh tại các cơ quan ngoại giáo Mỹ tại nước ngoài. Chúng tôi cũng đang phối hợp với nhà chức trách Libya để đưa những kẻ gây ra vụ sát hại này bị đưa ra trước công lý”.
Trong ngày 13/9, Mỹ cũng đã cử Hạm đội Chống khủng bố (FAST) gồm 50 binh sĩ thủy quân lục chiến tới Libya để tăng cường an ninh sau vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi./.