Mỹ phủ nhận ông Obama biết việc theo dõi Thủ tướng Merkel
VOV.VN -Mỹ đưa ra tuyên bố trên khi tờ báo của Đức đưa tin rằng, Tổng thống Obama đã biết về việc theo dõi bà Merkel từ năm 2010.
Ngày 27/10, tờ báo Bild am Sonntag trích dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, Tướng Keith Alexander, người đứng đầu cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã giới thiệu với Tổng thống Obama về hoạt động theo dõi Thủ tướng Đức trong năm 2010.
Tổng thống Mỹ Obama (trái) nói chuyện với Thủ tướng Đức Merkel trong một cuộc gặp ở Berlin ngày 19/6/2013 (Ảnh: AFP) |
Tờ báo dẫn lời một quan chức cấp cao của NSA: “Ông Obama đã không ngăn chặn các hoạt động theo dõi mà để cho những hoạt động này vẫn tiếp tục xảy ra”.
Tờ tin tức hàng tuần Der Spiegel đưa tin, từ các tài liệu bị rò rỉ của NSA cho thấy, điện thoại của bà Merkel nằm trong danh sách mục tiêu theo dõi đặc biệt trong hơn 1 thập kỷ và vẫn được giám sát nhiều tuần trước khi ông Obama đến thăm Berlin hồi tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của NSA Vanee' Vines trong cùng ngày đã thẳng thừng phủ nhận những tuyên bố trên.
Vines cho biết: “Tướng Alexander không thảo luận với Tổng thống Obama trong năm 2010 về cái được cho là hoạt động tình báo nước ngoài cáo buộc liên quan tới Thủ tướng Đức Merkel và ông Obama cũng chưa bao giờ thảo luận về những cáo buộc hoạt động liên quan tới bà Merkel”.
Các cáo buộc bắt nguồn từ những tài liệu do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden công bố. Những cáo buộc này đã làm dấy lên sự phẫn nộ trên toàn cầu về việc cơ quan gián điệp của Mỹ đã “rình mò” thông tin liên lạc của hàng chục nhà lãnh đạo trên thế giới.
Một cuộc thăm dò của tờ Der Spiegel cho thấy, 60% người Đức tin rằng vụ bê bối đã làm tổn hại quan hệ song phương của 2 nước.
Ngày 23/10, bà Merkel nói rằng hành động theo dõi như vậy là một sự “vi phạm lòng tin” trong khi Tổng thống Obama được cho là đã nói với Thủ tướng Đức rằng, ông không biết gì về hoạt động này.
Về phía Đức, nước này gửi các chỉ huy tình báo tới Washington vào tuần tới để thúc đẩy một cuộc điều tra các cáo buộc gián điệp.
Tờ Der Spiegel dựa trên các tài liệu bị rò rỉ cho biết, một bộ phận nghe lén của Mỹ được bố trí tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin và tình báo Mỹ có 80 văn phòng theo dõi công nghệ cao ở các thành phố lớn trên thế giới như Paris, Madrid, Rome, Praha, Geneva và Frankfurt./.