“Bồ câu” hay “Diều hâu”:

Mỹ sẽ phản ứng ra sao khi căng thẳng Nga – phương Tây leo thang?

VOV.VN - Biên giới giữa Nga và Ukraine nóng lên, cuộc khủng hoảng di cư giữa Belarus và châu Âu ngày càng leo thang có thể trở thành những biến số làm thay đổi quan hệ Nga - phương Tây nói chung và quan hệ Nga – Mỹ nói riêng.

“Diều hâu” hay “bồ câu”?

Khi các quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia gặp Tổng thống Biden để bàn về gói trừng phạt Nga vào đầu năm nay, nhà lãnh đạo Mỹ đã 3 lần trả lại họ kế hoạch này. Theo 2 cựu quan chức Mỹ, Tổng thống Biden đã nói rằng những lệnh trừng phạt này không đủ cứng rắn.

Các quan chức phương Tây gần đây cáo buộc Nga một lần nữa đưa quân tập trung dọc biên giới phía tây của nước này, đồng thời cảnh báo Moscow về hậu quả nếu tấn công Ukraine.

Hồi tháng 4/2021, Nga cũng từng khiến Mỹ và châu Âu đứng ngồi không yên khi huy động hàng chục nghìn binh lính gần biên giới Ukraine, đánh dấu lần tập trung lực lượng lớn nhất kể từ sau khi sáp nhập Crimea năm 2014.

Các quan chức và cựu quan chức Mỹ cho rằng, đợt tăng cường lực lượng gần đây dường như nghiêm trọng hơn, đặc biệt giữa bối cảnh căng thẳng về vấn đề di cư liên quan đến Belarus và các nước láng giềng là thành viên NATO leo thang.

Tổng thống Alexander Lukashenko đang đối mặt với sức ép trừng phạt từ phía Mỹ và châu Âu. Nhà lãnh đạo này đã đe dọa sẽ cắt giảm nguồn cung năng lượng với một số khu vực của châu Âu. Tổng thống Belarus cũng bị cáo buộc đưa người di cư từ Trung Đông và những nơi khác tới khu vực biên giới giữa Belarus với Ba Lan, Litva, Latvia, gây nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Những diễn biến này đã làm gia tăng sự thất vọng của một số quan chức Mỹ về chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden với Nga khi họ cho rằng những biện pháp này quá thận trọng và mềm yếu.

Trước đó, Tổng thống Biden không tin tưởng Tổng thống Putin và không ít lần bày tỏ lập trường cứng rắn với Moscow. Những quan chức khác trong chính quyền của ông như quan chức ngoại giao cấp cao Victoria Nuland và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhìn chung cũng nghiêng về lập trường này.

Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và cấp phó của ông Jon Finer cùng đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry lại là 3 người được biết tới nhiều nhất về lập trường thận trọng hơn với Nga. Những người ủng hộ lập trường này cho rằng Washington cần hợp tác với Moscow trong những vấn đề nhất định, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và kiểm soát hạt nhân.

Một quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đã phản đối ý tưởng về việc phân chia 2 lập trường đối lập nhau trong quan hệ với Nga.

"Một số người thường thích phân chia rạch ròi, nhưng điều đó thực sự không hiệu quả trong thực tế. Không ai thảo luận về những kế hoạch hay quan điểm theo lập trường "diều hâu" (những người có quan điểm cứng rắn) hay "bồ câu" (chỉ những người có lập trường ôn hòa). Mối quan hệ giữa chúng ta và Nga rất phức tạp nhưng dường như một số người đang đơn giản hóa việc này thành quan điểm cứng rắn hoặc ôn hòa khi đối phó với những vấn đề phức tạp này".

Dù vậy, một cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao nhận định, bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào trong lập trường của các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đều sẽ biến mất nếu Nga đưa ra bất kỳ động thái quyết định nào, đặc biệt trong vấn đề Ukraine.

Những “biến số” có thể đảo chiều quan hệ Nga – phương Tây

Quyết định của Tổng thống Biden nhằm hạn chế các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp lên đường ống dẫn khí Nga - Đức Dòng chảy phương Bắc 2 là một minh chứng cho thấy các cuộc thảo luận nội bộ trong chính quyền Washington có thể dẫn đến sự nhượng bộ. Trong trường hợp này, Tổng thống Biden phải cân nhắc đến các lợi ích của Đức - một đồng minh của Mỹ và quyết định rằng, sẽ không đáng để xa rời Berlin vì Dòng chảy phương Bắc 2.

Dù vậy, những diễn biến gần đây ở biên giới Nga - Ukraine cũng như cuộc khủng hoảng di cư giữa Belarus và EU đã khiến Washington phải nghĩ lại về lập trường của mình, một số nhà phân tích cho hay.

"Các động thái quân sự của Nga với Ukraine thực sự đặt ra những câu hỏi về sự cân bằng hiện nay giữa đối đầu và hợp tác với điện Kremlin. Tôi nghĩ, rõ ràng sự cân bằng này cần nghiêng về phía đối đầu nhiều hơn", Andrea Kendall-Taylor, giám đốc Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho hay.

Căng thẳng này có thể khiến Washington đưa ra các động thái mới, từ áp thêm lệnh trừng phạt kinh tế cho tới cung cấp thêm vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine.

Trên thực tế, quan hệ giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Lukashenko không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Sau khi ông Lukashenko cho biết ông có thể sẽ dừng cho phép khí đốt Nga được vận chuyển qua nước này để tới các nước châu Âu thì Moscow khẳng định, nước này sẽ cam kết đáp ứng các nghĩa vụ trong hợp đồng về cung cấp khí đốt. Dù vậy, các nhà quan sát cho rằng, điện Kremlin sẽ tiếp tục ủng hộ nhà lãnh đạo Belarus. Ngày 12/11, kênh truyền thông nhà nước Nga đưa tin, Moscow đã điều lính dù tới Belarus tham gia tập trận.

Giữa bối cảnh đó, Ba Lan đã điều hàng nghìn binh lính tới biên giới giữa nước này và Belarus nhằm phản ứng trước sự gia tăng dòng người di cư. Trong những ngày gần đây, Nga đã 2 lần điều máy bay ném bom có khả năng hạt nhân tới khu vực của Belarus gần với Ba Lan. Anh cho biết hôm 12/11 rằng, nước này đã điều binh lính - đồng thời là kỹ sư tới hỗ trợ Ba Lan bảo vệ biên giới. Đây là động thái cụ thể đầu tiên của một thành viên NATO nhằm ủng hộ các quốc gia đang đối phó với khủng hoảng di cư.

"Đây là một tình huống vô cùng nguy hiểm bởi hiện nay, điều 5 Hiến chương NATO đang đứng trước sức ép nghiêm trọng", Evelyn Farkas, cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền Tổng thống Obama cho hay khi nhắc đến một nguyên tắc trong NATO rằng, cuộc tấn công vào một nước thành viên được coi như một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ những lo ngại của phương Tây về hoạt động tăng cường lực lượng của Nga và cảnh báo về các hoạt động quân sự của các nước thành viên NATO gần đó.

"Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trong trường hợp có những hành động khiêu khích của các đối thủ gần biên giới của chúng tôi".

Thận trọng nhưng không phản ứng thái quá

Chính quyền Tổng thống Biden từ chối tiết lộ liệu có đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Belarus hoặc Nga hay không. Hiện cũng chưa rõ Tổng thống Biden có điện đàm với Tổng thống Putin để hạ nhiệt tình hình hay không. Trước đó, hai nhà lãnh đạo từng gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6.

Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng duy trì liên lạc với Nga ở mọi cấp độ, trong đó có cả cấp tổng thống. Quan điểm ngay từ đầu của Mỹ là nước này muốn "một mối quan hệ ổn định và dễ đoán" với Moscow và điều đó tới nay vẫn không thay đổi. Một số quan chức trong chính quyền ông Biden cho rằng, việc này sẽ cần hành động cân bằng và một tầm nhìn dài hạn.

"Nga, Trung Quốc và các nước khác đang thử thách Tổng thống Biden. Chúng ta nên nhận thức điều này, thận trọng nhưng không phản ứng thái quá", cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho hay.

Khi được hỏi về gói trừng phạt mà Tổng thống Biden nhiều lần trả lại, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, ông Biden không yêu cầu các biện pháp trừng phạt phải mạnh tay hơn hoặc làm tổn hại đến người dân Nga. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ muốn đảm bảo các lệnh trừng phạt phải "thông minh" và được tổ chức hợp lý để thay đổi hành vi của Moscow.

"Quan điểm cuối cùng của tôi là: "Trong những lĩnh vực mà Mỹ có lợi ích khi hợp tác với Nga, chúng ta nên và sẽ tiếp tục điều này. Trong những lĩnh vực mà Nga tìm cách làm tổn hại đến các lợi ích của Mỹ, chúng ta sẽ phản ứng", Tổng thống Biden cho hay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khủng hoảng di cư “thử lửa” quan hệ đồng minh Nga - Belarus
Khủng hoảng di cư “thử lửa” quan hệ đồng minh Nga - Belarus

VOV.VN - Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới giữa Belarus và Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trở nên trầm trọng hơn, Tổng thống Putin đã gửi đi tín hiệu nhắc nhở đồng minh của Nga không nên đi quá xa.

Khủng hoảng di cư “thử lửa” quan hệ đồng minh Nga - Belarus

Khủng hoảng di cư “thử lửa” quan hệ đồng minh Nga - Belarus

VOV.VN - Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới giữa Belarus và Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trở nên trầm trọng hơn, Tổng thống Putin đã gửi đi tín hiệu nhắc nhở đồng minh của Nga không nên đi quá xa.

Thông điệp của Nga khi điều động binh sỹ, khí tài tới biên giới Ukraine
Thông điệp của Nga khi điều động binh sỹ, khí tài tới biên giới Ukraine

VOV.VN - Việc Nga một lần nữa điều động binh sỹ và khí tài tới gần biên giới với Ukraine khiến Mỹ lo ngại về một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine. Trong khi đó, Moscow tuyên bố đây là vấn đề nội bộ của Nga, đồng thời cáo buộc Mỹ và phương Tây đang làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng.

Thông điệp của Nga khi điều động binh sỹ, khí tài tới biên giới Ukraine

Thông điệp của Nga khi điều động binh sỹ, khí tài tới biên giới Ukraine

VOV.VN - Việc Nga một lần nữa điều động binh sỹ và khí tài tới gần biên giới với Ukraine khiến Mỹ lo ngại về một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine. Trong khi đó, Moscow tuyên bố đây là vấn đề nội bộ của Nga, đồng thời cáo buộc Mỹ và phương Tây đang làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng.

Mỹ, NATO bán vũ khí cho Ukraine: Tia lửa kích hoạt cuộc chiến mới với Nga?
Mỹ, NATO bán vũ khí cho Ukraine: Tia lửa kích hoạt cuộc chiến mới với Nga?

VOV.VN - Mỹ và đồng minh NATO đang bận rộn vũ trang cho Ukraine và tham gia các hoạt động khác khiến ban lãnh đạo Kiev dễ tin rằng họ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phương Tây khi đối đầu với Nga và lực lượng ly khai thân Nga. Điều này có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Mỹ, NATO bán vũ khí cho Ukraine: Tia lửa kích hoạt cuộc chiến mới với Nga?

Mỹ, NATO bán vũ khí cho Ukraine: Tia lửa kích hoạt cuộc chiến mới với Nga?

VOV.VN - Mỹ và đồng minh NATO đang bận rộn vũ trang cho Ukraine và tham gia các hoạt động khác khiến ban lãnh đạo Kiev dễ tin rằng họ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phương Tây khi đối đầu với Nga và lực lượng ly khai thân Nga. Điều này có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.