Mỹ sẽ tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường cho toàn dân từ cuối tháng 9
VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ bắt đầu chương trình tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường cho toàn dân, bắt đầu từ ngày 20/9 tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 18/8 của Nhóm ứng phó với Covid-19 của Nhà Trắng, Tiến sĩ Vivek Murthy, Tổng Y sĩ Mỹ cho biết, dữ liệu gần đây cho thấy rõ khả năng bảo vệ chống lại bệnh nhẹ và trung bình đã giảm theo thời gian. Điều này có thể do cả khả năng miễn dịch suy yếu và sức mạnh của biến thể Delta hiện là chủng phổ biến tại Mỹ.
Các cơ quan quản lý của Mỹ lo ngại mức độ suy giảm đang ghi nhận được sẽ tiếp tục trong những tháng tới, có thể dẫn đến giảm khả năng bảo vệ mọi người chống lại bệnh nặng, phải nhập viện chữa trị và tử vong vì Covid-19.
“Đó là lý do chúng tôi công bố kế hoạch vượt qua loại virus này bằng cách chuẩn bị thực hiện các mũi tiêm nhắc lại cho người 18 tuổi trở lên đã tiêm chủng đầy đủ. Họ sẽ đủ điều kiện để tiêm nhắc lại, 8 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai của vaccine của Pfizer hoặc Moderna. Chúng tôi dự kiến bắt đầu chương trình này vào ngày 20/9 tới”, ông Murthy nhấn mạnh.
Như vậy, đợt đầu tiên của mũi vaccine tăng cường này sẽ dành cho những người đã hoàn thành tiêm chủng sớm nhất bằng vaccine của Pfizer hoặc Moderna, gồm nhân viên y tế, người làm việc trong các viện dưỡng lão và người cao tuổi. Chính phủ Mỹ cũng dự kiến chuyển liều vaccine tăng cường này tới các cơ sở có người được chăm sóc và điều trị dài hạn.
Giới chức y tế Mỹ cũng cho rằng những người đã tiêm loại vaccine một liều của Johnson & Johnson cũng cần tiêm mũi tăng cường. Nhưng loại vaccine này mới được cấp phép sử dụng khẩn cấp kể từ tháng 3 vừa qua, do vậy, những người đã tiêm vaccine của Johnson & Johnson có thể sẽ phải chờ đợi đến cuối năm nay.
Tuần trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt mũi tiêm thứ ba vaccine của Pfizer hoặc Moderna cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ song bị suy giảm miễn dịch.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo cùng ngày ở Geneva, Thụy Sĩ, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng chưa cần thiết tiêm liều vaccine tăng cường ở thời điểm này. Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi hãy dành lượng vaccine đó để đảm bảo tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số tại các nước có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới./.