Mỹ siết chặt gọng kìm đối với Trung Quốc
VOV.VN - “Động thái kép” của Mỹ đối với Trung Quốc được cho là đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 15/5 cho biết, họ đã bổ sung Công ty Huawei và 70 chi nhánh của công ty này vào “danh sách đen”, một động thái nhằm cấm công ty này mua lại các chi tiết máy và công nghệ từ các công ty của Mỹ mà chưa có sự đồng ý của chính phủ Mỹ.
Huawei và 70 chi nhánh chủa công ty này sẽ phải xin giấy phép của chính phủ Mỹ nếu muốn mua các thiết bị công nghệ của Mỹ. Ảnh: CNN |
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, Tổng thống Donald Trump ủng hộ quyết định nhằm “ngăn chặn công nghệ của Mỹ bị các thực thể nước ngoài sử dụng theo cách có khả năng làm suy yếu an ninh quốc gia hoặc lợi ích đối ngoại của Mỹ”.
Ông Trump trước đó đã ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu tất cả công ty của Mỹ không sử dụng thiết bị công nghệ viễn thông được sản xuất bởi các công ty được coi là có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ, viện dẫn Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) cho phép Tổng thống Mỹ điều chỉnh hoạt động thương mại để đối phó tình trạng khẩn cấp đe dọa đất nước.
Sắc lệnh sẽ chỉ đạo Bộ Thương mại cùng các cơ quan chính phủ khác xây dựng kế hoạch thực thi cụ thể. Lệnh hành pháp này không nêu tên cụ thể bất kỳ quốc gia hay công ty nào. Tuy nhiên, giới chức Mỹ trước đây đã dán nhãn tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc là "mối đe dọa", "không đáng tin cậy" và tích cực vận động các đồng minh của Mỹ không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G.
Việc Huawei bị đưa vào danh sách của Bộ Thương mại Mỹ đồng nghĩa với việc các công ty Mỹ sẽ phải xin một giấy phép đặc biệt mới được bán sản phẩm cho công ty này. Năm ngoái, động thái tương tự đối với ZTE của Trung Quốc đã khiến công ty này gần như suy sụp trước khi ông Donald Trump can thiệp và ZTE đạt một thỏa thuận với Chính phủ Mỹ.
Bên cạnh sắc lệnh trên, một diễn biến khác cũng có nguy cơ làm leo thang căng thẳng là việc một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa đề xuất dự luật cấm cấp thị thực du học hay nghiên cứu cho những ai làm việc hay nhận tài trợ từ tổ chức khoa học - kỹ thuật có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Trong phản ứng của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh hy vọng Mỹ sẽ ngừng sử dụng an ninh quốc gia như một cái cớ và tạo môi trường công bằng cho các công ty Trung Quốc đầu tư và làm ăn tại Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Mỹ đang lạm dụng sức mạnh quốc gia của mình để cố tình bôi nhọ và đàn áp một số công ty của Trung Quốc. Đây không phải là điều tự hào gì. Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng sử dụng lý do "vấn đề an ninh" để đàn áp các công ty Trung Quốc. Trung Quốc kêu gọi Mỹ cung cấp một môi trường công bằng, không phân biệt đối xử đối với các công ty Trung Quốc đang đầu tư và hoạt động tại Mỹ”.
Hiện chưa có phản ứng của Huawei. Trước đó, Huawei đã bác bỏ lo ngại của Mỹ rằng thiết bị của họ có thể gây nguy cơ an ninh vì tập đoàn này có thể làm theo yêu cầu của Trung Quốc là cho phép tiếp cận các mạng và dữ liệu của người dùng.
Thời điểm Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh khá nhạy cảm: Giữa lúc đàm phán thương mại Mỹ - Trung rơi vào bế tắc, hai nước tiến hành thêm đợt đánh thuế hàng hóa của nhau. Sau khi Mỹ tăng thuế áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tuần trước và Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa nâng thuế đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hàng năm./.
Huawei và 70 chi nhánh bị Mỹ liệt vào danh sách đen thương mại