Mỹ sơ tán công dân khỏi tàu Diamond Princess, một số hành khách tức giận
VOV.VN - Quyết định của Mỹ đã khiến một số hành khách giận dữ vì họ cho rằng điều đó kéo dài thêm thời gian trở lại cuộc sống bình thường của họ.
Mỹ đã bắt đầu sơ tán các công dân nước này cùng gia đình của họ khỏi du thuyền Diamond Princess. Tuy nhiên, quyết định này đã khiến một số hành khách giận dữ vì họ cho rằng điều đó kéo dài thêm thời gian trở lại cuộc sống bình thường của họ trong bối cảnh thời gian kiểm dịch của du thuyền Diamond Princess sắp kết thúc.
Du thuyền Diamond Princess. Ảnh: Time |
Hàng nghìn người mắc kẹt trên du thuyền Diamond Princess bị đặt trong tình trạng kiểm dịch neo đậu ngoài khơi thành phố cảng Yokohama của Nhật Bản từ ngày 3/2. Với 365 trường hợp được xác định nhiễm Covid-19 trên tàu, trong đó chỉ riêng trong ngày 16/2 đã ghi nhận thêm là 70 trường hợp mới, du thuyền là địa điểm tập trung đông trường hợp nhiễm Covid-19 nhất ngoài lục địa Trung Quốc. Ngày 19/2, giai đoạn kiểm dịch của du thuyền này sẽ kết thúc.
Ban đầu, các cơ quan của chính phủ Mỹ cho rằng, việc hành khách ở lại trên du thuyền trong thời gian kiểm dịch là tốt nhất.
Hầu hết hành khách đều không hề ngạc nhiên và chấp nhận kế hoạch này. Sau thời gian kiểm dịch, các hành khách không nhiễm Covid-19 được thông báo họ có thể đáp chuyến bay thương mại trở về Mỹ.
Sau đó thì email tới.
Chiều 15/2, Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo đã gửi thông báo tới những người Mỹ trên tàu Diamond Princess về chi tiết kế hoạch sơ tán gần 400 công dân Mỹ về nước.
Một khi trở về Mỹ, họ sẽ lại phải kiểm dịch thêm 14 ngày nữa. Bất cứ ai lựa chọn không lên máy bay đều sẽ phải đợi thêm 14 ngày nữa ở Nhật Bản để đảm bảo họ hoàn toàn không có triệu chứng gì trước khi trở về Mỹ.
Quyết định đã khiến các hành khách người Mỹ nổi giận. Nhiều người muốn được giải đáp 2 câu hỏi đơn giản: Vì sao chính phủ Mỹ phải đợi lâu đến thế để đưa ra một quyết định đột ngột? Điều gì đã khiến chính sách của Mỹ thay đổi bất ngờ đến thế?
“Tổn hại cả vật chất lẫn tinh thần”
Ngày 18/2, chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch bắt đầu xét nghiệm tất cả các hành khách còn lại trên tàu. Kết quả sẽ được trả trong vòng 3 ngày. Từ 21/2, các hành khách có thể bắt đầu rời khỏi du thuyền Diamond Princess.
Tuy nhiên những hành khách người Mỹ trong diện sơ tán sẽ không được xét nghiệm.
“Từ bi kịch đến hài kịch, thật trớ trêu”, Matthew Smith, một hành khách người Mỹ đăng tải trên Twitter. “Chính phủ Mỹ thay vì muốn đưa chúng tôi khỏi con tàu mà không cần xét nghiệm, thì lại đưa chúng tôi về Mỹ cùng với những người chưa được xét nghiệm khác, và rồi sau đó chúng tôi sẽ lại phải thêm 2 tuần kiểm dịch nữa? Sao mọi chuyện rối tung lên thế?”.
Những người quyết định không lên chuyến bay sơ tán của chính phủ Mỹ sẽ phải kiểm dịch thêm 2 tuần nữa ở Nhật Bản trước khi có thể trở về nước.
Đối với Karey Mansicalco, người sở hữu một công ty bất động sản ở Utha, thông tin này dường như “cướp” mất tự do khỏi tay bà ngay giờ chót.
“Nó giống như án tù đối với những điều không phải tôi đã làm”, bà nói với CNN từ cabin của mình trên tàu.
Mansicalco nói thêm 2 tuần kiểm dịch nữa sẽ khiến bà tốn thêm tới 50.000 USD. “Đó là thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi đã bật khóc khi nhận được thông tin và tôi không biết phải diễn tả cảm xúc của mình ra sao. Và tôi chỉ thấy tức giận”, bà nói.
Hoạt động sơ tán khiến gia đình của những công dân Mỹ đã được xét nghiệm dương tính với Covid-19 rơi vào tình huống khó xử. Có 46 người Mỹ có kết quả dương tính với Covid-19 và bất cứ ai có triệu chứng nghi nhiễm sẽ không được lên chuyến bay sơ tán.
“Chúng tôi lại một lần nữa ở ngoài tầm kiểm soát”, Kent Frasure nói. Vợ của Kent, Rebecca, có kết quả dương tính với Covid-19 tuần trước và đã được chuyển tới một bệnh viện ở Tokyo. “Tôi sẽ không lên chuyến bay đó mà không có Rebecca”, Kent nói.
Kiểm dịch thất bại?
Một lý do khiến hành khách không hài lòng, đó là tuần trước, các chuyên gia đã đặt câu hỏi với quyết định của chính phủ Nhật Bản về việc kiểm dịch những người trên du thuyền Diamond Princess.
“Tôi không hiểu vì sao họ bị giữ trên tàu”, Peter Hotez của Đại học Y dược Baylor nói. “Chúng ta đang sử dụng cách tiếp cận từ thế kỷ 14 với những cá nhân có khả năng lây truyền bệnh”.
Sự thay đổi đột ngột trong chính sách của Mỹ khiến nhiều người tin rằng Mỹ không tin vào hiệu quả trong phản ứng của Nhật Bản. Trước đó, một số thông tin cho biết có tới 1.000 người trên tàu không bị kiểm dịch, họ vẫn ngồi ăn cùng nhau, làm việc cùng nhau mà không đeo khẩu trang.
Động thái của Mỹ đã gây sức ép lên chính phủ các nước khác có công dân trên du thuyền Diamond Princess phải hành động.
Ngày 16/2, chính phủ Canada đã tuyên bố kế hoạch sơ tán công dân khỏi du thuyền Diamond Princess. Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) cùng ngày cũng tuyên bố sắp xếp một chuyến bay sơ tán các công dân của đặc khu này ngay khi họ được phép rời khỏi du thuyền.
Tuy nhiên kịch bản tệ nhất sẽ chính là các thủy thủ đoàn trên tàu Diamond Princess.
Sau khi một số nhân viên trên tàu kêu gọi sự giúp đỡ, Công ty Princess Cruises nói với họ ngày 15/2 rằng một khi tất cả các hành khách rời khỏi tàu, họ sẽ được kiểm dịch riêng 14 ngày.
Ngày 16/2, Princess Cruises tuyên bố công ty này sẽ hủy tất cả các hành trình đi nước ngoài của du thuyền Diamond Princess đến 20/4 do thời gian kiểm dịch kéo dài. Các hành khách có thể truy cập thông tin trên website của công ty để nắm được hành trình của mình./.