Mỹ tạm thời thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ
VOV.VN -Dự luật nâng trần nợ công được thông qua với số phiếu sít sao 221 phiếu thuận và 201 phiếu chống.
Tối 11/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép nâng mức trần nợ công của nước này đến tháng 3/2015. Đây là một động thái quan trọng tránh cho nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ, đẩy thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu vào một cú sốc.
Nước Mỹ tạm thời sẽ không rơi vào hoàn cảnh như hồi tháng 10/2013 khi Chính phủ Mỹ phải đóng cửa tạm thời trong hơn 2 tuần (Ảnh: Getty Images) |
Dự luật được thông qua với số phiếu sít sao 221 phiếu thuận và 201 phiếu chống, cho phép chính quyền của Tổng thống Barack Obama thêm 13 tháng được quyền vay nợ bình thường để chi trả cho các hoạt động và trả nợ. Thượng viện do phe Dân chủ nắm quyền đa số dự kiến sẽ xem xét và tiến hành bỏ phiếu về dự luật ngay trong tuần này để sớm gửi lên Tổng thống Obama ký đưa vào thực hiện.
Văn kiện được thông qua bốn ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo các nhà lãnh đạo Quốc hội rằng sau ngày 27/2 tới nước Mỹ sẽ không còn tiền để thanh toán các khoản nợ nếu các nhà lập pháp không gia hạn quyền vay tiền cho chính phủ liên bang.
Ông Lew nói: “Nếu Quốc hội không gia hạn quyền vay tiền cho chính phủ liên bang, nước Mỹ sẽ không còn tiền để thanh toán các khoản nợ, cũng như không thể hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của mình. Thực tế là, nếu chúng ta còn do dự, nguy cơ sẽ càng lớn hơn. Chúng ta không thể đặt sự phục hồi kinh tế, thị trường tài chính hay độ tin cậy của chế độ an sinh xã hội… trước những rủi ro”.
Theo các nhà phân tích, việc Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua dự luật này mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào là một chiến thắng đối với Tổng thống Obama và cũng là một bất ngờ. Bởi lâu nay, trong nội bộ hai đảng không xuất hiện "khái niệm nhượng bộ" và sự bất ổn gây ra bởi các cuộc "đấu khẩu" giữa lưỡng đảng trong 3 năm qua là một "thảm họa" đối với các nỗ lực phục hồi kinh tế của cường quốc số một thế giới.
Trong suốt ba năm qua, chính trường Mỹ đã xảy ra nhiều bất đồng xung quanh vấn đề nâng trần nợ công. Lần gần đây nhất, ngày 16/10 năm ngoái, Mỹ chỉ tránh được tình trạng lâm vào một cuộc vỡ nợ lịch sử khi vào phút chót Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận về giải pháp tăng trần nợ công và tái mở cửa Chính phủ.
Thế nên, động thái đáng mừng vừa diễn ra không chỉ là dấu hiệu tích cực góp phần xoa dịu những bất đồng về chính sách tại Quốc hội Mỹ mà còn giúp nước này tránh các cuộc khủng hoảng chính trị mới. Hơn nữa, điều này cũng là thông điệp gửi tới người dân Mỹ rằng, các nhà lập pháp Mỹ luôn làm những điều tốt nhất để đảm bảo uy tín cũng như vị thế của nền kinh tế đất nước.
Dù luôn ở thế đối đầu, song cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều nhận thức rõ hậu quả của việc nền kinh tế lớn nhất thế giới này bị rơi vào tình trạng vỡ nợ. Nếu kịch bản này xảy ra, nước Mỹ sẽ đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư bởi vì, từ trước đến nay, trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn được coi là an toàn nhất. Điều đó có thể châm ngòi cho làn sóng bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ và gây ra sự hoảng loạn ở các thị trường tài chính trên khắp thế giới. Và đây chắc chắn là điều mà các chính trị gia Mỹ không hề mong muốn./.