Mỹ trung gian đàm phán giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia về đập Phục hưng
VOV.VN - Cuộc đàm phán được cho là một cơ hội quan trọng để ngăn chặn leo thang căng thẳng liên quan tới đập Đại Phục hưng.
Ngày 6/11, tại Washington sẽ diễn ra cuộc gặp ba bên giữa các quan chức Ai Cập, Sudan và Etiopia do Mỹ làm trung gian liên quan tới những bất đồng về đập Phục hưng ở Etiopia.
Công nhân Ethiopia tham gia xây dựng đập thủy điện Đại phục hưng ở gần biên giới Ethiopia - Sudan ngày 31/3/2015. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN. |
Trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi và bày tỏ sự quan tâm cá nhân, đồng thời tin tưởng cuộc đàm phán sẽ thành công. Ông Donald Trump cho rằng cuộc đàm phán sẽ tích cực và công bằng cho tất cả các bên.
Tuyên bố này đã làm dấy lên làn sóng lạc quan trong giới Ai Cập. Tổng thống Ai Cập đánh giá cao vài trò và sự hỗ trợ của Mỹ cho các cuộc đàm phán ba bên, cũng như tự tin rằng cuộc họp sẽ phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán trước đây giữa các bên về đập Đại Phục hưng của Ethiopia.
Cuộc đàm phán giữa các bên ngày 6/11 do Mỹ làm trung gian được cho là một cơ hội quan trọng để ngăn chặn leo thang căng thẳng. Cả Ai Cập và Ethiopia đều đóng vai trò quan trọng trong chính sách Mỹ ở Trung Đông và vùng Sừng châu Phi. Hai bên cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, vì vậy chính quyền Mỹ sẽ nỗ lực và thúc đẩy để các bên vượt qua những bất đồng.
Trong những tháng gần đây, Ai Cập và Ethiopia đã xảy ra căng thẳng do liên quan tới đập Đại Phục hưng. Ai Cập lo ngại con đập này sẽ làm giảm nguồn cung cấp nước từ sông Nile, cũng như các thiết kế cấu trúc nền móng của đập đe dọa trượt và sụp đổ gây ra nguy hiểm cho Ai Cập. Lượng nước sẽ bị chặn bởi con đập từ khoảng 56 tỷ mét khối hàng năm và tác động đến dân số,đất nông nghiệp của Ai Cập. Ai Cập cũng lo ngại việc lấp đầy hồ chứa cho đập này của Ethiopia mất ít nhất 6 năm trong khi một số nghiên cứu cho rằng mất từ 7 và 10 năm trong khi Ethiopia muốn lấp đầy hồ chứa trong vòng ba năm để tăng tốc độ sản xuất điện.
Ethiopia cho rằng đây là công trình thế kỷ nhằm phát triển và cung cấp điện cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, chiếm khoảng 70% dân số. Tổng chi phí xây dựng con đập là 4,8 tỷ USD, trong khi các ngân hàng Trung Quốc cung cấp khoản tài trợ lên tới 1,8 tỷ USD. Dựa trên hai yếu tố này, Ethiopia từ chối các yêu cầu của Ai Cập. Trong khi đó, Sudan giữ quan điểm trung lập./.
Ngọc Thạch/VOV-Cairo