Mỹ-Trung Quốc cạnh tranh vận động, Indonesia duy trì chính sách trung lập
VOV.VN - Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, Indonesia vẫn tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao trung lập đối với các quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Indonesia duy trì chính sách ngoại giao trung lập
Trong buổi họp báo ngày 22/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Teukur Faizasyah khẳng định: "Indonesia có quan hệ song phương hữu nghị và tốt đẹp, với cả Mỹ và Trung Quốc. Cả hai đều là đối tác chiến lược của Indonesia”. Phát ngôn của ông Teukur Faizasyah được đưa ra khi được hỏi về việc Tổng thống Indonesia từ chối yêu cầu của Mỹ cho phép máy bay trinh thám P-8 Poseido hạ cánh và tiếp nhiên liệu tại quốc gia này.
Điều này cũng phù hợp với chính sách ngoại giao trung lập mà Bộ Ngoại giao nước này đã từng nói đến.
Đầu tháng 9 vừa qua, đáp lại báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về việc Indonesia trở thành một trong những quốc gia đặt căn cứ quân sự của Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia bà Retno Marsudi, khẳng định, “lãnh thổ Indonesia không thể và sẽ không được sử dụng làm căn cứ quân sự hoặc cơ sở cho bất kỳ quốc gia nào".
Tiếp đó, khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng liên quan đến xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các hội nghị liên quan, Ngoại trưởng Retno Marsudi tiếp tục đưa ra cảnh báo “Indonesia không tham gia vào các cuộc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực và không muốn mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh này”. Nữ Ngoại trưởng Indonesia kêu gọi ASEAN giữ trung lập và đoàn kết trước thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù không phải quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông song Indonesia thường xuyên gặp phải sự vi phạm lãnh hải của Trung Quốc. Gần đây nhất, Indonesia đã phải xua đuổi các tàu cá với sự hỗ trợ của tàu hải cảnh Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền nước này. Indonesia nhấn mạnh, tàu nước ngoài có thể đi qua vùng biển Indonesia nhưng không thể tới đó để khẳng định chủ quyền một cách phi lí. Indonesia luôn nhấn mạnh các biện pháp ngoại giao khi xử lý các tranh chấp trên Biển Đông.
Mỹ-Trung Quốc cạnh tranh vận động Indonesia liên quan đến Biển Đông
Theo các chuyên gia, Mỹ và Trung Quốc dường như cũng đang cạnh tranh để vận động Indonesia liên quan đến Biển Đông. Trước thềm Hội nghị ASEAN 53, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa đã đến thăm Indonesia và làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, ông Prabowo Subianto để bàn về vấn đề duy trì hòa bình trên Biển Đông và đối phó với đại dịch Covid-19. Trước đó, cuối năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cũng đã tới Trung Quốc.
Phía Mỹ đã thông qua Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng James H Anderson có cuộc gặp với Tư lệnh Quân đội quốc gia Indonesia Hadi Tjahjanto và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia. Vấn đề nổi bật của cuộc họp liên quan đến hợp tác quốc phòng song phương và dịch Covid-19. Nhân dịp này, Indonesia cũng đã kêu gọi Trung Quốc và Hoa Kỳ kiềm chế và thúc đẩy đối thoại để duy trì hòa bình trên Biển Đông cũng như trên thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã được Hoa Kỳ đặc biệt mời tới Lầu Năm Góc trong hai ngày 15-19/10. Với lời mời này, Mỹ đồng thời chấm dứt lệnh cấm nhập cảnh với ông Prabowo có hiệu lực suốt 20 năm qua.
Tuần tới, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm tới Indonesia để bàn về an ninh Biển Đông và khẳng định tầm nhìn của hai nước về một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do, cởi mở. Trong tuần này, Tập đoàn tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) cũng sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Indonesia.
Nhà quan sát quân sự từ Viện Nghiên cứu An ninh và Chiến lược Indonesia, ông Khairul Fahmi cho rằng trong cuộc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia sẽ có lợi thế khi trở thành quốc gia đóng vai trò gìn giữ hòa bình như chính sách trung lập mà Indonesia lựa chọn./.