Mỹ-Trung Quốc giằng co nhau về vấn đề hạt nhân Triều Tiên
VOV.VN - Vụ thử động cơ mới có thể dùng cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên đã khiến Mỹ và Trung Quốc thêm chia rẽ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Thông tin về vụ thử này cũng được công bố một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hối thúc Trung Quốc gây thêm áp lực đối với Triều Tiên để kiềm chế hoạt động sản xuất và thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP
Trước đó, ngày 21/6, cuộc Đối thoại Mỹ-Trung Quốc đã kết thúc trong sự không hài lòng của Mỹ khi Trung Quốc không cam kết sẽ đưa ra các biện pháp cứng rắn để kiềm chế Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân. Mỹ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc gây thêm áp lực lên chính quyền Triều Tiên, nhưng có vẻ như đại diện quốc gia đông dân nhất thế giới "không xuôi".
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson, trong họp báo sau cuộc gặp, đã tóm tắt những gì ông và Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nói với nhau là: “Mối đe dọa cấp bách nhất trong khu vực hiện nay là do Triều Tiên gây ra. Cả hai bên đều kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách trọn vẹn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được”.
“Chúng tôi đã nhắc lại với Trung Quốc rằng, họ cần có trách nhiệm ngoại giao để gây áp lực kinh tế vào ngoại giao lớn hơn đối với Triều Tiên nhằm ngăn chặn sự leo thang trong khu vực. phía Triều Tiên đang có một số hoạt động bất hợp pháp nhằm gây quỹ để phát triển chương trình hạt nhân. Chúng ta cần phải nỗ lực cùng nhau nhằm giảm bớt nguồn thu nhập của Triều Tiên”, ông Tillerson nói.
Tuyên bố của ông Tillerson cũng cho thấy sự bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ về cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa viết trên Twitter rằng, Trung Quốc đã thất bại trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Điều này được coi như sự thừa nhận thất bại đối với một trong những ván cược lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.
Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/6 cho biết, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán, rằng việc phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên phải được giải quyết thông qua đối thoại.
Theo đó, Trung Quốc kêu gọi sớm nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cũng đề xuất “cách tiếp cận kép” nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo này, thiết lập cơ chế hòa bình song song với cơ chế “ngừng đổi lấy ngừng” để xoa dịu cuộc khủng hoảng đang ngày càng hiện hữu.
Theo đó, bước đầu tiên, Triều Tiên có thể ngừng các hoạt động hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn. Trung Quốc cũng kêu gọi các bên liên quan xem xét và thông qua các đề xuất này trong nỗ lực đưa vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên trở lại đúng lộ trình giải quyết hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc luôn coi vấn đề Triều Tiên là vấn đề an ninh đòi hỏi phải có một gói giải pháp để giải quyết tất cả các triệu chứng và nguyên nhân gốc rễ để cân bằng mối quan tâm hợp lý của tất cả các bên.
Trung Quốc hoan nghênh và khuyến khích mọi ý tưởng và đề xuất hữu ích trong việc giảm căng thẳng và đối đầu, tăng cường tin tưởng lẫn nhau và giải quyết vấn đề cơ bản”.
Tuy nhiên, các đề xuất này vẫn bị phớt lờ. Triều Tiên có hưởng ứng với lời kêu gọi này nhưng khăng khăng nếu Mỹ ngừng các cuộc tập trận quân sự chung thường niên với Hàn Quốc trước, thì Triều Tiên mới có thể tạm ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Như vậy, có thể thấy, việc các bên cam kết trong vấn đề Triều Tiên cũng không có vẻ mới mẻ giống như câu chuyện xây dựng niềm tin. Chính vì thế vấn đề Triều Tiên sẽ còn là chủ đề nóng trong quan hệ Trung Mỹ trong thời gian tới.
Bởi theo các nhà phân tích, việc Mỹ gây áp lực đối với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên ít có cơ hội thành công nếu như Trung Quốc tiếp tục chống lại hoặc ngăn chặn một nỗ lực như vậy. Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đưa ra một kế hoạch thay thế chi tiết nào nếu Triều Tiên từ chối trở lại bàn đàm phán./.
Bán đảo Triều Tiên lại dậy sóng vì vụ phóng tên lửa của Triều Tiên