Mỹ-Trung tranh cãi về quy chế các nước đang phát triển trong WTO
VOV.VN - Trung Quốc cho rằng, việc cải tổ WTO cần phải được tiến hành trên nguyên tắc bảo đảm những giá trị cốt lõi của tổ chức này.
Hôm nay (29/7), tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Hoa Xuân Doanh đã chỉ trích mạnh mẽ những phát biểu mới đây của Mỹ về việc yêu cầu Tổ chức thương mại thế giới WTO sửa đổi cách phân loại các quốc gia đang phát triển.
Người phát ngôn Hoa Xuân Doanh. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) không phải là bất kỳ quốc gia nào, cũng không thuộc sở hữu của một vài quốc gia hoặc bất kỳ quốc gia đơn lẻ. Hoạt động của WTO không phải do một vài quốc gia quyết định mà dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý kiến chung của tập thể. Việc cải tổ WTO cần phải được tiến hành trên nguyên tắc bảo đảm những giá trị cốt lõi của tổ chức này.
Bà Hoa Xuân Doanh chỉ trích việc Mỹ đơn phương, đề cao một cách phiến diện trình độ phát triển của các nước đang phát triển là không công bằng và vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia thành viên WTO. Việc căn cứ vào tiêu chuẩn và quy định nào để xác lập một quốc gia là “nước đang phát triển” không phải do một hai nước quyết định, mà do đại bộ phận các thành viên của WTO thông qua hiệp thương thống nhất, trong đó đặc biệt tôn trọng ý kiến của các nước đang phát triển.
Trước đó, hôm 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích việc WTO vẫn sử dụng kiểu phân định đã lỗi thời để quy định “nước phát triển” và “nước đang phát triển đã tạo ra những lợi thế không bằng cho một số thành viên của WTO. Tổng thống Mỹ yêu cầu WTO đổi mới quy tắc trong 90 ngày, nếu không Mỹ sẽ dừng công nhận một số quốc gia là nước đang phát triển. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ là nước chịu nhiều thiệt hại do nước này vẫn đang thuộc quy chế các nước đang phát triển của WTO.
Quy chế “nước đang phát triển” do WTO phân loại cho phép các nước có thời hạn dài hơn để thực hiện các cam kết về tự do thương mại cũng như khả năng bảo vệ một số lĩnh vực sản xuất nội địa, đồng thời duy trì các khoản trợ cấp cho các ngành nghề và doanh nghiệp trong nước./.