Mỹ tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng sức khỏe cộng đồng khẩn cấp
VOV.VN - Trước diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ, Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 4/8 đã phải tuyên bố, dịch bệnh này là tình trạng sức khỏe cộng đồng khẩn cấp.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 4/8, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ con người (HHS) Xavier Becerra cho biết: “Trước các diễn biến phức tạp hiện nay và xu hướng lây lan trên thực tế, tôi muốn thông báo với mọi người rằng hôm nay chúng tôi tuyên bố, bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng sức khỏe cộng đồng khẩn cấp”.
Ông Xavier Becerra cũng khuyến cáo người dân nước này không được chủ quan và tích cực hỗ trợ cho giới chức y tế đối phó với bệnh đậu mùa khỉ.
Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ giúp chính quyền liên bang và các bang có thể kích hoạt các khoản ngân sách hỗ trợ khẩn cấp cũng như tạo điều kiện tập trung nguồn lực để đối phó với dịch bệnh. Tình trạng khẩn cấp cũng cho phép cơ quan chức năng y tế của Mỹ nhanh chóng ký kết các hợp đồng mua vật tư, trang thiết bị y tế cần thiết và dịch vụ điều trị bệnh nhân.
Tính đến nay đã có khoảng gần 7.000 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại Mỹ ở hầu hết các bang, tuy nhiên, phần lớn tập trung trong cộng đồng đồng tính nam. Các nhà khoa học cho rằng, bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp qua da, bao gồm tiếp xúc với vết phát ban, vảy hoặc chất dịch cơ thể từ người bị bệnh đậu mùa khỉ hoặc vết thương hở… đặc biệt là quan hệ tình dục đồng tính nam.
Trước đó, một số bang nước Mỹ có số ca nhiễm bệnh tăng nhanh cũng đã tuyên bố tình trạng sức khỏe cộng đồng khẩn cấp đối với bệnh đậu mùa khỉ. Đầu tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì làn sóng bùng phát các ca mắc đậu mùa khỉ. Tính đến nay đã có khoảng hơn 26.000 ca bệnh tại gần 100 nước với hơn 10 ca tử vong được cho là có liên quan đến dịch bệnh này. Được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, căn bệnh này có các triệu chứng nhẹ bao gồm sốt, đau nhức và tổn thương da có mủ. Thời gian khỏi bệnh trong vòng 2-4 tuần và ít gây tử vong./.