Mỹ và đồng minh hợp lực tấn công Syria: Quả bom hẹn giờ sắp phát nổ?

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tối hậu thư trong 48 giờ sẽ quyết định có hay không tấn công nhằm vào các căn cứ của Syria với sự hỗ trợ của Anh và Pháp.

Anh và Mỹ rầm rộ điều tàu ngầm, chiến hạm

Tờ nhật báo Telegraph của Anh ngày 11/4 đưa tin, Thủ tướng Anh Theresa May đã ra lệnh cho các tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia di chuyển vào vị trí trong phạm vi có thể khai hỏa nhắm tới Syria, nhiều khả năng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công sẽ được kích hoạt vào tối nay 12/4.

Thủ tướng Anh Theresa May đã ra lệnh cho các tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia di chuyển vào vị trí trong phạm vi có thể khai hỏa nhắm tới Syria. Ảnh: AP.

Theo tờ báo này, mặc dù chưa ra quyết định cuối cùng về việc đồng hành cùng Mỹ và Pháp trong trường hợp các bên quyết định tấn công Syria, nhưng Thủ tướng May vẫn muốn lực lượng của Anh có thể hành động nhanh chóng. Trước đó, bà May cũng kêu gọi các bộ trưởng tiến hành một cuộc họp nội các khẩn cấp để thảo luận về cách thức phản ứng của Anh trước cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, Đông Ghouta.

Hãng tin Telegraph cho biết, nhiều khả năng bà May sẽ nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong nội các về việc tiến hành cuộc tấn công quân sự chung với Mỹ và Pháp, nhằm vào Syria. Tuy nhiên, Anh vẫn cần thảo luận với hai đồng minh này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Sau khi diễn ra cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hôm 7/4, Thủ tướng Theresa May cho biết “tất cả dấu hiệu và chứng cớ đều cho thấy chính phủ Syria chịu trách nhiệm liên quan”, khẳng định việc Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học” không thể diễn ra mà không vấp phải sự phản ứng”.

Trước đó, hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman chở theo 6.500 thủy thủ đã rời quân cảng Norfolk, Virginia trong ngày 11/4 để tới Trung Đông và Châu Âu.

Tàu sân bay hạt nhân USS Harry S. Truman sẽ dẫn đầu hạm đội gồm tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Normandy, tàu khu trục USS Arleigh Burke, USS Bulkeley, USS Forrest Sherman và USS Farragut.

Tạp chí quốc phòng Mỹ Stars and Stripes  cho biết, hai tàu khu trục còn lại là USS Jason Dunham và USS The Sullivans sẽ hội quân trên lộ trình sau đó. Tàu hộ vệ tên lửa FGS Hessen của Đức cũng đồng hành với hạm đội tàu chiến Mỹ trong nửa đầu thời gian thực hiện nhiệm vụ. 

Những diễn biến mới này xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump  cảnh báo Nga nên "chuẩn bị sẵn sàng" trước "các tên lửa mới và thông minh đang tiến đến Syria" của Mỹ, trong bối cảnh chỉ còn vài giờ là tới thời hạn chót 48 giờ mà người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố dành để cân nhắc về biện pháp quân sự chống chính phủ Syria, nhằm phản ứng trước vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Các nhà phân tích cho rằng, sự đối đầu về lợi ích giữa các cường quốc tại Trung Đông tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới một cuộc tấn công quân sự sâu hơn của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, ông Shabbir Ravzi, chuyên gia phân tích kinh tế và chính trị cho rằng: “Mỹ giống như một nhà diễn xiếc trong cộng đồng quốc tế và bây giờ đang lôi kéo Anh, Pháp tham gia vào cuộc chơi – đó là một cuộc chiến khác tại Syria, nguy hiểm hơn cuộc chiến hiện tại, tương tự như kịch bản chiến tranh từng diễn ra tại Iraq và Lybia”.

Ông Max Abrahms – thành viên tại Hội đồng phụ trách quan hệ đối ngoại của Mỹ cho rằng cáo buộc vẫn chỉ là cáo buộc và các bằng chứng chưa đủ mạnh để chứng minh Nga hay chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này.

Ông khẳng định: “Bất cứ ai có tư tưởng công bằng và minh bạch đều nhận ra rằng chẳng có lý do gì để Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học bởi quân đội Syria đang giành thế thượng phong tại Đông Ghouta và sắp giải phóng được toàn bộ khu vực. Thêm vào đó, điều này có thể dẫn tới sự can thiệp quân sự từ nước ngoài. Tựu trung, chính quyền ông Assad chẳng được lợi lộc gì khi thực hiện cuộc tấn công như vậy”.

Mỹ được lợi gì nếu tấn công Syria?

Nếu quyết định tấn công Syria, Tổng thống Donald Trump sẽ khiến người dân Mỹ và thậm chí cả thế giới tin rằng ông đã thoát được “cái bóng di sản” của người tiền nhiệm Barack Obama.

Còn nhớ vào năm 2013, sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học cũng tại Ghouta, Tổng thống Barack Obama chần chừ trong việc can thiệp quân sự và sau đó thỏa hiệp với Nga về việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria. “Ranh giới đỏ” của ông Obama bị chỉ trích nặng nề. Còn giờ đây, với đội ngũ các nhân vật thân cận có quan điểm cứng rắn với Nga và Iran trong chính quyền thì việc tấn công Syria giờ đây không còn là “trái cấm” đối với Tổng thống Donald Trump.

Tiếp đến, nếu hành động, ông Trump có thể làm hài lòng các nhà xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Mỹ đứng đầu về xuất khẩu vũ khí, chiếm 33% thị phần toàn cầu, trên cả Nga và Trung Quốc. Với việc sử dụng tên lửa hành trình dự trù cho cuộc tấn công, trong đó mỗi quả trị giá khoảng 832.000 USD, ông Donald Trump đã ít nhiều gửi đi thông điệp lạc quan đến ngành sản xuất vũ khí Mỹ.

Tuy nhiên, theo Peter Ford, cựu đại sứ Anh tại Syria, một vài quả tên lửa hành trình sẽ không giúp thay đổi cục diện tại Syria và cũng không dễ dàng lật đổ Tổng thống Assad bởi chính phủ Syria đang được sự yểm trợ đắc lực của các đồng minh, đặc biệt là Nga và Iran. Trên thực tế, ông Trump đã có hành động đáp trả bằng tên lửa hành trình sau cáo buộc chính phủ Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học năm 2017. Song do thiếu một kế hoạch để gây áp lực dài hạn, hành động quân sự của nhà lãnh đạo Mỹ đến nay vẫn thất bại trong việc ổn định tình hình Syria. 

“Điều Mỹ cần hiện giờ không phải là tấn công Syria mà là một chiến lược phối hợp để bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ trong cuộc chiến đa chiều tại Syria – điều mà Tổng thống Donald Trump cùng các cố vấn của ông vẫn chưa thực hiện được”, ông Peter Ford nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Syria và các đồng minh chuẩn bị cho khả năng bị tấn công quân sự
Syria và các đồng minh chuẩn bị cho khả năng bị tấn công quân sự

VOV.VN - Quân đội chính phủ Syria và lực lượng đồng minh đang được đặt trong tình trạng báo động cao và thực hiện biện pháp đề phòng trên khắp đất nước.

Syria và các đồng minh chuẩn bị cho khả năng bị tấn công quân sự

Syria và các đồng minh chuẩn bị cho khả năng bị tấn công quân sự

VOV.VN - Quân đội chính phủ Syria và lực lượng đồng minh đang được đặt trong tình trạng báo động cao và thực hiện biện pháp đề phòng trên khắp đất nước.

Mỹ rầm rộ điều binh sát Syria, Nga thủ thế "sẵn sàng chiến đấu"
Mỹ rầm rộ điều binh sát Syria, Nga thủ thế "sẵn sàng chiến đấu"

VOV.VN - Việc Mỹ triển khai ồ ạt khí tài sát Syria sau cáo buộc tại Đông Ghouta khiến giới phân tích lo ngại nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ.

Mỹ rầm rộ điều binh sát Syria, Nga thủ thế "sẵn sàng chiến đấu"

Mỹ rầm rộ điều binh sát Syria, Nga thủ thế "sẵn sàng chiến đấu"

VOV.VN - Việc Mỹ triển khai ồ ạt khí tài sát Syria sau cáo buộc tại Đông Ghouta khiến giới phân tích lo ngại nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ.

Mỹ phải trả giá đắt như thế nào nếu tấn công quân sự vào Syria?
Mỹ phải trả giá đắt như thế nào nếu tấn công quân sự vào Syria?

VOV.VN - Trong khi Mỹ đe dọa tấn công quân sự Syria liên quan cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học thì Nga tuyên bố đáp trả mạnh tay nếu Mỹ thực hiện động thái này.

Mỹ phải trả giá đắt như thế nào nếu tấn công quân sự vào Syria?

Mỹ phải trả giá đắt như thế nào nếu tấn công quân sự vào Syria?

VOV.VN - Trong khi Mỹ đe dọa tấn công quân sự Syria liên quan cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học thì Nga tuyên bố đáp trả mạnh tay nếu Mỹ thực hiện động thái này.