Mỹ và Hàn Quốc gạt bỏ bất đồng về chia sẻ chi phí quân sự
VOV.VN - Mỹ và Hàn Quốc quyết tâm gạt bỏ mọi chướng ngại để tập trung cho cuộc gặp quan trọng sắp tới giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Sau nhiều vòng đàm phán, Mỹ và Hàn Quốc hôm nay (10/2) đã đạt được thỏa thuận về vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng, cụ thể là chi phí nhằm duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên. Theo các nhà phân tích, với việc chấm dứt những tranh cãi kéo dài liên quan đến vấn đề này, Mỹ và Hàn Quốc dường như đang quyết tâm gạt bỏ mọi chướng ngại để tập trung cho cuộc gặp quan trọng sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha. Ảnh: Sputnik. |
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc hôm nay (10/2) đã ký một thỏa thuận ngắn hạn, theo đó Hàn Quốc sẽ tăng phần đóng góp của mình để duy trì sự hiện diện của các lực lượng Mỹ. Cụ thể, Hàn Quốc sẽ tăng mức đóng góp từ 960 tỷ won năm 2018 lên hơn 1 nghìn tỷ won, tương đương 890 triệu USD. Để có hiệu lực, văn kiện còn cần phải được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn. Điểm khác biệt so với những lần trước đó, thường là kéo dài trong 5 năm, thỏa thuận mới nhất dự kiến sẽ có hiệu lực trong 1 năm. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng hai bên sẽ phải quay lại bàn đàm phán trong vài tháng tới.
Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, đây là một quá trình rất dài, nhưng cuối cùng cũng đi tới thành công. Bất chấp những chỉ trích ở trong nước liên quan tới thỏa thuận mới và những khó khăn ở Quốc hội, song người đứng đầu ngành ngoại giao Hàn Quốc vẫn tin tưởng, cho đến nay, mọi kết quả đều là tích cực.
“Đến thời điểm này, chúng tôi đã có thể thu hẹp khoảng cách về vấn đề đóng góp tài chính. Theo tôi, kết quả này phần nhiều nhờ vào thiện chí và sự tin tưởng mà hai bên đã xây dựng trong năm 2018 vừa qua”.
Về phần mình, phát biểu với báo chí trước khi bước vào lễ ký kết, Cố vấn cấp cao Mỹ tham gia các cuộc đàm phán, ông Timothy Betts nhấn mạnh, thỏa thuận về chia sẻ chi phí quốc phòng đã cho thấy sự ủng hộ của Hàn Quốc đối với liên minh Mỹ-Hàn, cũng như góp phần cho hòa bình và ổn định tại khu vực:
“Đối với chính phủ Mỹ, Hàn Quốc đã làm rất nhiều cho liên minh của chúng ta, cũng như đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt đạt được ngày hôm nay dù chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực này, song lại đóng một vai trò rất quan trọng. Chúng tôi rất hài lòng khi các cuộc tham vấn đã đi tới kết quả. Điều này sẽ tăng cường tính minh bạch cũng như hợp tác của hai nước”.
Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự trên Bán đảo Triều Tiên kể từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), với khoảng 28.500 quân. Từ tháng 3/2018, hai bên đã trải qua 10 vòng đàm phán nhằm đạt được đột phá trong vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc gia tăng phần đóng góp.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết, họ đã nỗ lực hạn chế gánh nặng tài chính xuống còn khoảng 1 tỷ won, cũng như duy trì thời hạn hiệp định trong ít nhất 3 năm. Tuy nhiên, chỉ cách đây chưa đầy 1 tháng, đàm phán đã lâm vào bế tắc sau khi Mỹ đưa ra những yêu cầu, mà theo phía Hàn Quốc là “bất ngờ và không thể chấp nhận”. Theo yêu cầu này, Hàn Quốc sẽ phải trả hơn 1 nghìn 400 tỷ won mỗi năm.
Khoảng 70% đóng góp của Hàn Quốc là dành để trả lương cho khoảng 8.700 nhân viên nước này làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ hành chính, kỹ thuật và các dịch vụ khác cho quân đội Mỹ. Cuối năm 2018, quân đội Mỹ cảnh báo các công nhân Hàn Quốc làm việc tại các căn cứ của Mỹ rằng họ có thể sẽ phải nghỉ việc từ giữa tháng 4/2019 nếu không có bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.
Chính vì thế, thỏa thuận đạt được ngày hôm nay được đánh giá là nỗ lực hết sức của hai bên nhằm tránh một thất bại có thể gây ảnh hưởng tới Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 27 và 28/02 tới tại Việt Nam.
Trước đó, ngay sau cuộc gặp lịch sử hồi tháng 6/2018 tại Singapore, Tổng thống Donald Trump đã thông báo tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, cho rằng những hoạt động như thế này là rất tốn kém. Kết quả là những cuộc tập trận chung lớn đã bị đình chỉ. Tuy nhiên, việc một số cuộc tập trận quy mô nhỏ vẫn được duy trì cho thấy chiến lược "cây gậy và củ cà rốt" vẫn là trọng tâm trong cách tiếp cận của Mỹ với Triều Tiên, bất chấp những chỉ trích "thiếu thiện chí" từ phía chính quyền Nhà lãnh đạo Kim Jong-un./.
Mỹ và Hàn Quốc mở rộng hợp tác về chiến lược kinh tế toàn cầu
Mỹ và Hàn Quốc dự kiến họp qua video về vấn đề Triều Tiên
Mỹ và Hàn Quốc chia rẽ về chia sẻ chi phí quân sự