Mỹ vẫn đang hình thành chính sách đối với Đông Nam Á và Biển Đông?
VOV.VN - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Sức mạnh Trung Quốc tại CSIS cho rằng, Mỹ đang hình thành chính sách đối với Đông Nam Á và Biển Đông nói riêng.
Ngày 18/7, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) đã tổ chức Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 7. Đây là diễn đàn để giới chuyên gia, học giả của Mỹ và nhiều nước khác trao đổi về những diễn biến mới nhất và phân tích các lựa chọn chính sách tại vùng biển này.
Các phiên thảo luận tại Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 7 diễn ra rất sôi nổi.
Hội thảo do Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức, được chia làm 5 phiên thảo luận chính.
Các vấn đề được thảo luận bao gồm: làm mới vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; thực trạng ở Biển Đông trong 1 năm qua; các vấn đề pháp lý và môi trường và các bước tiếp theo; quân sự hóa, chống cưỡng bức và xây dựng năng lực; chính sách Biển Đông của chính quyền mới ở Mỹ.
Các chuyên gia, học giả thảo luận tình hình Biển Đông trong thời gian qua cũng như các chính sách của Mỹ đối với các vấn đề khu vực trong bối cảnh chính quyền mới tại Mỹ có nhiều mối quan tâm khác so với trước đây.
Đánh giá về chính sách của chính quyền mới ở Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á và biển Đông, cố vấn cấp cao về châu Á kiêm Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ Bonnie Glaser cho biết: “Tôi cho rằng Mỹ đang hình thành chính sách đối với Đông Nam Á và Biển Đông nói riêng. Các tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, đặc biệt là tại Đối thoại Shangri-la, đã nêu rõ các lợi ích của Mỹ và lo ngại về Trung Quốc.
Theo tôi, chiến lược ngoại giao và kinh tế của Mỹ chưa đạt tới mức chiến lược quân sự và hy vọng Chính phủ Mỹ sẽ có một chiến lược tổng thể để giải quyết một số thách thức ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á”.
Hội thảo Biển Đông thường niên năm 2017 được tổ chức 1 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đại diện của Việt Nam tham dự cuộc hội thảo năm nay bao gồm ông Trần Trường Thủy, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam và bà Đặng Cẩm Tú, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam./.