Mỹ xoa dịu đồng minh sau những tuyên bố “bất nhất” về Ukraine và quan hệ với Nga
VOV.VN - Trong bối cảnh ngoại giao bế tắc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken những ngày qua đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao con thoi tới châu Âu nhằm thiết lập một mặt trận thống nhất với các đồng minh trong cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như quan hệ với Nga.
Sau cuộc gặp hồi tuần trước với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ ngày 24/1 tham dự cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Ngoại trưởng Liên minh châu Âu. Nếu như với Nga là nhằm thuyết phục nước này không có các hành động quân sự xa hơn, với châu Âu đó không chỉ là tái khẳng định cách tiếp cận trong vấn đề Ukraine hay quan hệ với Nga. Trọng trách với người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ còn lớn hơn nhiều đó là hàn gắn sự rạn nứt xuyên Đại Tây Dương.
Tổng thống Joe Biden hồi tuần trước đã có phát biểu gây mất lòng đồng minh khi thừa nhận nguy cơ bất đồng giữa Mỹ và châu Âu về các biện pháp đáp trả Nga trong trường hợp nước này thực hiện một cuộc “tấn công nhỏ”.
Bình luận về những phát biểu của Tổng thống Biden, báo New York Times cho rằng, điều này cho thấy sự bất nhất trong lập trường của Mỹ trong vấn đề quan hệ với Nga. Nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần khẳng định sẵn sàng đáp trả nhanh chóng và mạnh mẽ bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào của Nga ở Ukraine. Một số ý kiến tại châu Âu thậm chí còn cho rằng, Mỹ đang xem nhẹ đồng minh.
Phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Geneva, Ngoại trưởng Blinken đã tìm cách trấn an khi khẳng định sẽ không có chuyện Mỹ “nhẹ tay” với Nga: “Tôi tin rằng chúng ta có thể cùng nhau đảm bảo an ninh chung. Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào việc Nga có ngừng gây hấn với Ukraine. Vì vậy, đó là lựa chọn mà Nga phải đối mặt: Con đường ngoại giao để đi đến hòa bình và an ninh hoặc con đường chỉ dẫn đến xung đột, với hậu quả nghiêm trọng và bị quốc tế lên án”.
Những ý tưởng trong bài phát biểu không mới nhưng đã gây thêm sự chia rẽ giữa châu Âu với Mỹ hay thậm chí giữa những nước cùng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Liên minh châu Âu thường tỏ ra thiếu nhất quán trong quan hệ với Nga và nguyên nhân một phần là do sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.
Các cuộc đàm phán với Nga hiện vẫn lâm vào bế tắc. Trong khi Nga cứng rắn với lập trường yêu cầu NATO rút quân khỏi tất cả các quốc gia tham gia liên minh quân sự này sau năm 1997, thì Phương Tây cũng kiên quyết không từ bỏ điều mà họ cho là khả năng bảo vệ và phòng thủ lẫn nhau, kể cả sự hiện diện quân sự ở sườn phía Đông.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu đã gây bất ngờ khi kêu gọi châu Âu nên đưa ra đề xuất của riêng mình về an ninh khu vực.
“Với tư cách là những người châu Âu, chúng tôi phải đưa ra những yêu cầu của riêng mình và đạt được vị trí mà ở đó chúng ta được tôn trọng. Một cuộc đối thoại thẳng thắn sẽ giúp chúng ta đối mặt với các lực lượng gây bất ổn, sự can thiệp và thao túng”, Tổng thống Macron nhấn mạnh./.