Mỹ yêu cầu Iran không được lảng tránh các cuộc thanh sát hạt nhân
VOV.VN - Cố vấn an ninh Susan Rice nhấn mạnh rằng Iran không thể từ chối thanh sát viên hạt nhân tới các địa điểm bị các bên liên quan nghi ngờ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice hôm 15/7 tuyên bố rằng Iran sẽ không được phép tránh các cuộc thanh sát các điểm quân sự và dân sự mà Mỹ và đồng minh nghi ngờ có vấn đề về hạt nhân sau khi một thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết trong tuần này có hiệu lực.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice (ảnh: Reuters) |
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, bà Rice cho biết, thỏa thuận trên sẽ không cho Iran khe hở nào để có thể phản đối các hoạt động thanh sát nếu như Washington hoặc các bên khác có thông tin tiết lộ một địa điểm bí mật nào đó cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Bà Rice nói: “Nếu người Iran nói “Không, các ông không thể kiểm tra địa điểm đó” cho dù đó là khu vực quân sự hay không, thì IAEA nếu thấy nghi ngờ, có thể yêu cầu tiếp cận địa điểm đó”.
Bà cho biết thêm: Nếu Iran từ chối quyền tiếp cận mà 5 trong 8 bên ký kết vào thỏa thuận hạt nhân Iran yêu cầu điều tra dưới sự giám sát của một ủy ban chung mới được thành lập thì Iran phải tuân thủ.
Bà Rice nhấn mạnh: “Đây không phải là yêu cầu, mà là đòi hỏi”. Iran sẽ “buộc phải cho tiếp cận”.
Theo thỏa thuận được công bố vào đầu tuần này, các lệnh trừng phạt mà Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc áp đặt lên Iran sẽ được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran đồng ý cắt giảm chương trình hạt nhân của mình trong dài hạn. Chương trình này bị phương Tây và Israel nghi là nhằm chế tạo một quả bom hạt nhân.
Nội dung của thỏa thuận bao gồm việc Iran giải đáp các thắc mắc về các địa điểm nghi ngờ trong thời hạn 24 giờ và nhất trí để cho thanh sát viên quốc tế vào kiểm tra.
Tuy nhiên thỏa thuận mới không thể hiện rõ ràng yêu cầu bắt buộc Iran phải thừa nhận họ có thể để cho nước ngoài vào thanh sát các cơ sở quân sự. Do vậy người ta đang thắc mắc không hiểu Iran sẽ cho phép tiếp cận ở mức độ nào trong thực tế.
Những người phê phán thỏa thuận trên, bao gồm các đảng viên Cộng hòa (Mỹ) và chính quyền Israel cho biết, thỏa thuận này đầy lỗ hổng, đặc biệt là khi xét đến vấn đề xác minh và thời gian mà Iran cần về mặt lý thuyết để phát triển một vũ khí hạt nhân. Họ gọi thời hạn 24 giờ là một lỗ hổng không thể chấp nhận được dành cho Iran.
Bà Rice bác bỏ các quan ngại cho rằng Iran có thể giấu vật liệu hạt nhân phóng xạ trong các cơ sở lớn trong thời gian đợi chờ.
Bà nói: “Trong khoảng thời gian đó họ không thể che giấu bằng chứng bằng một cách khả thi. Và họ cũng không thể che giấu một cơ sở lớn vậy một cách dễ dàng trong thời gian dài.”
Các bên ký kết vào thỏa thuận hạt nhân lịch sử bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, EU và Iran./.