Năm 2010 thế giới phát triển theo hướng nào?

Đây là năm cục diện chiến lược toàn cầu thay đổi nhanh chóng theo hướng đa cực hóa với sự phân bố quyền lực rộng rãi hơn  

Năm 2009 nhân loại đã chứng kiến cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn nghiêm trọng nhất của nó. Sự chạm đáy của chu kỳ khủng hoảng và sự bắt đầu phục hồi nền tài chính - kinh tế thế giới. Không chỉ an ninh kinh tế mà an ninh chính trị xã hội trong năm qua cũng diễn biến phức tạp. Năm 2010 sẽ là năm cục diện chiến lược toàn cầu thay đổi nhanh chóng, nhưng theo hướng nào đang là câu hỏi lớn được dư luận quốc tế quan tâm.

Trật tự thế giới đa cực hóa ngày càng định hình rõ nét hơn

Cục diện hiện nay cho thấy thực lực và tầm ảnh hưởng của Mỹ đã suy giảm đáng kể trong thập kỷ qua và sẽ còn suy giảm tương đối trong tương quan với các thế lực mới đang nổi lên mạnh mẽ. Trung Quốc là nước có tiềm năng trở thành siêu cường thách thức vị thế của Mỹ trong những thập kỷ tới.

Tuy nhiên, trật tự thế giới không là đơn cực với Mỹ là siêu cường duy nhất, nhưng cũng chưa thực sự là đa cực tuyệt đối với quyền lực chính trị nằm trong tay của một số quốc gia có khả năng cùng phối hợp duy trì trật tự an ninh toàn cầu. Với các cường quốc đang trỗi dậy hay trở lại như Trung Quốc, Nga, Ân Độ, Brazil… đều chưa đủ lực và chưa sẵn sàng đi đầu trong can dự toàn cầu. Do đó, hệ thống an ninh quốc tế đang trong quá trình chuyển hóa theo hướng đa cực ngày càng rõ nét hơn.

Quyền lực kinh tế toàn cầu từ phương Tây đang chuyển hoá sang châu Á - Thái Bình Dương

Phần lớn lịch sử loài người hơn 500 năm qua đặt dưới sự thống trị của phương Tây với những thành tựu kinh tế và khoa học – công nghệ dẫn đầu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sức mạnh kinh tế đã và đang chuyển dịch ngày càng mạnh đến các phần còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Á. Những quốc gia như Trung Quốc, Ân Độ giờ đây đã trở thành những trung tâm sản xuất chính yếu của thế giới. Dòng tư bản đang lưu chuyển từ các quốc gia đang nổi lên và chảy vào các nước phát triển và được sử dụng để tái đầu tư vào các hệ thống ngân hàng đang bị sụt lở, lung lay ở các nước giàu.

Các nước châu Á, đứng đầu là Trung Quốc đã nắm phần lớn tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu (hơn 2.000 tỷ USD) và là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các nhà nghiên cứu đã dự báo Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào cuối năm 2010.

An ninh năng lượng và môi trường trở thành mối đe dọa nghiêm trọng (Ảnh minh hoạ)

Can dự tích cực và thực dụng là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế

Do cùng mưu cầu môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, do thế và lực có hạn trong khi các vấn đề mang tính toàn cầu ngày càng cấp bách, các nước đều cần đến nhau trong các nỗ lực chung thông qua các khuôn khổ hợp tác đa phương, tập thể. Ngoại giao đa phương được đặt vào vị trí trung tâm với sự coi trọng vai trò của Liên Hợp Quốc và các thể chế quốc tế khác. Mỹ sẽ tìm cách hành động thông qua các cấu trúc quốc tế hiệu quả, tăng cường hệ thống quốc tế và phối hợp hiệu quả hơn qua các tổ chức toàn cầu, thực hiện vai trò lãnh đạo thế giới thông qua can dự tích cực: củng cố đồng minh, tìm kiếm và mở rộng đối tác; những áp đặp theo kiểu “chuẩn giá trị” sẽ được dịu dần hoặc; những thỏa hiệp, mặc cả lợi ích giữa các nước lớn có chiều hướng gia tăng, đặt các nước nhỏ vào thế bất lợi và chịu nhiều áp lực hơn.

Cuộc cách mạnh công nghệ thông tin làm cho thế giới hiện đại dễ bị tổn thương hơn

Các công nghệ mạng hiện đại đang chuyển dịch ra ngoại biên, cho phép các nhóm kết nối mạng phân cấp cạnh tranh với các cấu trúc thứ bậc. Toàn cầu hóa thông tin và hạ tầng máy tính đang cho phép các chủ thể phi nhà nước, trong đó có những kẻ khủng bố, các tổ chức tội phạm, những tin tặc… thực hiện các cuộc tấn công điện tử phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia như viễn thông, vận tải, tài chính…

Chiến tranh không gian mạng đã trở thành mối đe dọa an ninh thường trực: Các thông tin bí mật có thể bị đột nhập đánh cắp, điện thoại di động dùng kích hoạt các vật nổ, các cuộc tấn công mạng ngày càng phức tạp và khó tìm ra dấu vết. Các đối thủ sẽ khai thác triệt để điểm yếu của hệ thống thông tin điện tử kết nối để tấn công nhau. Do đó, cần thiết phải xây dựng mô hình an ninh mạng tập trung vào khả năng ngăn chặn và phục hồi, cách phòng ngừa tốt nhất là tạo ra sự lệ thuộc của người sử dụng vào mạng, bao gồm cả kẻ phá hoại.

An ninh năng lượng và môi trường trở thành mối đe dọa nghiêm trọng

Hệ thống năng lượng trở nên phức tạp và mang tính toàn cầu hơn nhiều so với hệ thống năng lượng kỷ nguyên công nghiệp. Ngày nay, nói đến an ninh năng lượng là nói đến khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính, nguồn nước đang cạn kiệt, sự phụ thuộc vào năng lượng và giá dầu.

Những vấn đề an ninh năng lượng và môi trường ngày càng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các quốc gia đơn lẻ. Giá dầu leo cao đã làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu, đẩy giá lương thực tăng vọt và chuyển hàng nghìn tỷ đô la vào tay các nước xuất khẩu dầu lửa độc quyền. Chính sách ngoại giao năng lượng đã trở nên mang tính đối đầu hơn khi các quốc gia tranh giành quyền kiểm soát các thị trường khí đốt, dầu lửa và các đường ống dẫn dầu.

Sức ép ngày càng tăng trong việc tìm các nguồn năng lượng thay thế, áp dụng các công nghệ sạch, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Các vấn đề môi trường sẽ trở thành những mối đe dọa an ninh hàng đầu. Cuộc cạnh tranh tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên càng diễn ra quyết liệt giữa các cường quốc lớn.

Các thách thức từ các quốc gia bất ổn và không gian trống vắng sự kiểm soát

Sau sự kiện 11/9, những nhà nước có sự cai trị yếu kém, dễ đổ vỡ và các không gian trống vắng sự kiểm soát đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu do những nước này thường nằm ở những khu vực chiến lược trọng yếu, án ngữ các tuyến đường thông thương và tiếp cận các nguồn lợi chung toàn cầu trong khi ở các nước này, những căng thẳng tôn giáo, sắc tộc, kinh tế kém phát triển, tranh chấp nội bộ, biên giới không rõ ràng sẽ là những vùng đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố, cực đoan trỗi dậy.

Tại những nơi này, các nhóm tội phạm, cực đoan sẽ thách thức chính phủ và các mạng lưới quốc gia sẽ tìm được nơi trú ẩn an toàn. Dường như ở đâu, một quốc gia - nhà nước nào cũng chịu áp lực từ nhiều phía: từ dưới lên là các nhóm dân tộc bất bình; từ trên xuống là các tổ chức quốc tế; từ các bên là các chủ thể tư nhân được tăng cường sức mạnh bởi xã hội toàn cầu hoá. Trước các sức ép như vậy, việc tìm kiếm giải pháp khắc phục sự yếu kém của nhà nước ngày càng trở nên cấp bách hơn.

Tính chất xuyên quốc gia của chủ nghĩa khủng bố và phong trào cực đoan sẽ tăng cường

Mỹ, phương Tây và những nước đồng minh của Mỹ vẫn là mục tiêu tấn công của các phần tử và tổ chức Hồi giáo cực đoan. Al Qaeda và các nhóm có chung tư tưởng cực đoan chỉ chiếm 1% trong 91 triệu người Hồi giáo nhưng lại gây ra nguy cơ khủng khiếp nhất nếu có được trong tay vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cụm từ “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” sẽ không còn được đề cập nhiều nhưng thực tế cuộc chiến này vẫn diễn ra trong nhiều năm tới và khiến cho tâm lý chống Mỹ vẫn khó xoa dịu ở nhiều nước Hồi giáo. Quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo luôn tiềm ẩn sự thiếu tin cậy và xung đột. Giải pháp ứng phó và ngăn chặn hiệu quả nhất đối với mối đe dọa này đòi hỏi cách tiếp cận tổng thể toàn diện, những bài học từ cuộc chiến Iraq, Afghanistan đã đặt ra cách tiếp cận tổng thể nhằm thu hút sự ủng hộ của thế giới Hồi giáo và cô lập hóa các nhóm cực đoan.

Nguy cơ xung đột vũ trang theo kiểu “chiến tranh bất quy tắc và hỗn hợp” mới

Môi trường an ninh tương lai trở nên hết sức phức tạp vì các xung đột bùng phát và bị chi phối bởi nhiều vấn đề đan xen như biến đổi khí hậu, tiếp cận các nguồn lợi chung, sự phát triển của các cường quốc hạt nhân, bất bình đẳng xã hội, khủng bố mạng, những phần tử cực đoan có trong tay vũ khí hủy diệt… Thách thức lớn nhất trong tương lai là sự phối hợp đồng thời nhiều hình thái chiến tranh hay còn gọi là loại hình chiến tranh hỗn hợp mới: kết hợp các hình thức chiến tranh theo quy ước, bất quy tắc... Các hình thức tác chiến có thể nảy sinh: chiến tranh giữa quốc gia với nhau, sự phá vỡ chiến lược, chống bạo loạn, hỗ trợ quân - dân sự, chiến tranh thông tin và chiến tranh mạng, chiến tranh phá hoại ngầm và chống tiếp cận.

Nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

Nguy cơ phổ biến và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt luôn thường trực do sự phổ biến các nhiên liệu lưỡng dụng, kiến thức khoa học và bí quyết công nghệ. Các chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Iran, Syria có thể tạo ra một làn sóng phổ biến hạt nhân mới. Những nỗ lực hướng tới một thế giới phi hạt nhân còn nhiều khó khăn: mức cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc hạt nhân để duy trì mức răn đe cần thiết, các phương án răn đe hạt nhân quân sự và phi quân sự, khả năng và cách thức răn đe hạt nhân tập thể, xử lý vấn đề Nga, Mỹ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân với một số quốc gia khác lại tìm cách gia tăng kho vũ khí hạt nhân của họ…

Như vậy, năm 2010 sẽ là năm cục diện chiến lược toàn cầu thay đổi nhanh chóng theo hướng đa cực hóa với sự phân bố quyền lực rộng rãi hơn; Mỹ không còn ở thế và lực bá chủ và áp đặt như trước; thỏa hiệp, hợp tác cùng đối phó với những thách thức toàn cầu trở thành xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra theo hướng vừa thỏa hiệp, nhượng bộ, hợp tác thực dụng vừa kiềm chế, ngăn ngừa chiến lược. Các nước nhỏ sẽ phải chủ động chuẩn bị đối sách thích hợp để tránh bị thiệt hại trong quan hệ quốc tế. Cạnh tranh giữa hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ càng gay gắt hơn do Mỹ điều chỉnh can dự theo hướng thực dụng và linh hoạt ./.

Tài liệu tham khảo

1. Quang Minh: Xu hướng hình thành trật tự thế giới mới. TC Kiến thức quốc phòng hiện đại. Số 12/2009, tr16

2. Nguyễn Hùng: 10 mối đe doạ an ninh năm 2010. Dân trí. Cập nhật 25/12/2009

3. G-20: Cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu mới? TC Thị trường tài chính tiền tệ. Số 23(296) 1/12/2009, tr36

4. Thanh Thuỷ: Nhân chuyến công du, TT Obama điều chỉnh chiến lược của Mỹ tại Châu Á. Báo Hải ngoại ngày nay. Cập nhật 13/11/2009

5. Lữ Phổ Ân: Năm 2010 - Một vài dự báo. Lao động. Cập nhật 2/1/2010./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên