Nam Á và chính sách của Mỹ

3 tuần sau khi đắc cử, Tổng thống B.Obama đã có động thái đầu tiên là  khẳng định rằng Mỹ coi cuộc chiến chống khủng bố tại Nam Á là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Chưa đầy 2 tuần trước khi nhậm chức cùng Tổng thống đắc cử Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden tiến hành chuyến thăm Nam Á gồm: Pakistan, Ấn Độ, Afghanistan. Dù trong chuyến công du này, ông Joe Biden vẫn giữ nguyên tư cách là Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, nhưng chuyến đi mang ý nghĩa quan trọng khi mà tân Tổng thống B.Obama coi khu vực này là mặt trận trung tâm chống khủng bố.

Mục đích chuyến công du Nam Á của ông Joe Biden không nằm ngoài kế hoạch triển khai chính sách thử nghiệm mang tính khu vực hơn đối với cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Nam Á - chính sách “sức mạnh mềm”, bắt đầu bằng cam kết xây dựng đối tác chiến lược với các nước Nam á và cũng không loại trừ khả năng đối thoại trực tiếp với Iran để tranh thủ sự trợ giúp của nước này trong cuộc chiến tại Afghanistan.

Trong cương lĩnh tranh cử tổng thống, ông B.Obama cam kết rút dần quân khỏi Iraq để tăng cường thêm quân cho cuộc chiến chống Taliban tại Afghanistan, cũng như tăng cường tranh thủ sự trợ giúp của các nước trong khu vực, xây dựng quân đội Afghanistan đủ mạnh để phối hợp đảm bảo an ninh tại nước này. Đây là những cam kết trong cương lĩnh tranh cử đã góp phần đưa ông B.Obama vào Nhà Trắng khi mà cuộc chiến chống Taliban của NATO do Mỹ cầm đầu tại Afghanistan bước sang năm thứ 8 mà tình hình an ninh tại quốc gia Nam á này đang ngày càng xấu đi.

Trong báo cáo của Hội đồng quốc tế về An ninh và Phát triển (ICOS) cho thấy sau 7 năm bị lật đổ, Taliban vẫn tỏ ra rất mạnh và “hiện diện thường trực” tại  3/4 lãnh thổ Afghansitan, trong khi năm ngoái tỷ lệ này là 1/2. Báo cáo còn mô tả Taliban thực tế đang nắm quyền kiểm soát ở nhiều thị trấn và làng xã ở miền Nam Afghanistan và đang mưu toan mở rộng thế lực ra nhiều tỉnh ở Tây và Tây Bắc cũng như một số khu vực ở phía Bắc thủ đô Kabul. Thủ lĩnh khét tiếng của tàn quân Taliban Mullah Omar ngày 8/12/2008 đe dọa sẽ tăng cường các cuộc tấn công bạo lực tại đất nước này. Còn tại Pakistan, lực lượng Al-Qaeda và Taliban đang mở rộng vùng kiểm soát trên biên giới Pakistan - Afghanistan, nơi Mỹ tập trung rất nhiều binh lực vẫn không thể thay đổi được tình thế. Ngoài ra, quan hệ căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ liên quan đến vụ khủng bố kinh hoàng tại Mumbai làm gần 200 người chết và 300 người bị thương, khiến Mỹ lo lắng.

Trong chuyến thăm Pakistan, ông Joe Biden có cuộc gặp với Tổng thống Asif Ali Zardari, Thủ tướng Yousuf Raza Gilani và Tham mưu trưởng quân đội Pakistan Ashfaq Kayani. Các cuộc hội đàm giữa ông Joe Biden và lãnh đạo Paksitan tập trung vào sự đóng góp của Paksitan vào cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động, cũng như vào quan hệ căng thẳng giữa Pakistan và ấn Độ sau vụ khủng bố tại Mumbai, bởi hơn ai hết, Mỹ lo ngại mối quan hệ căng thẳng này ảnh hưởng đến hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực trọng tâm này, khiến Pakistan lơ là mặt trận biên giới, đặc biệt là khu vực các bộ lạc, nơi ẩn náu của các phần tử cực đoan. Tại Afghanistan, ngoài việc nhắc lại cam kết tăng cường thêm 20.000 lính Mỹ tại đây trước mùa hè năm nay, ông Joe Biden còn cam kết tăng cường trang bị cho quân đội Afghanistan.

3 tuần sau khi đắc cử, Tổng thống B.Obama đã có động thái đầu tiên là điện thoại cho Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai để khẳng định rằng Mỹ coi cuộc chiến chống khủng bố tại đây và tại Nam Á là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chuyến thăm Nam Á lần này của tân Phó tổng thống Joe Biden, hơn 10 ngày trước khi nhậm chức, là bước thứ 2 nhằm thực hiện những lời hứa của ông B.Obama với cử tri Mỹ nhằm giải quyết hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Để đạt được kết quả, còn phụ thuộc vào nỗ lực của các nước. Nhưng bước đầu, chính sách đối ngoại mới được coi là có sự đột phá lớn, mở ra một kỷ nguyên đối thoại mới với các kẻ thù của Mỹ, chấm dứt phong cách đối đầu từng “thịnh hành” dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm George W. Bush./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên