Nạn bạo lực học đường ở Pháp

Cũng giống như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, vấn nạn bạo lực học đường tại Pháp cũng tồn tại, gây nhiều hậu quả xấu xã hội, buộc chính quyền phải tìm các giải pháp đối phó

Nạn bạo lực học đường bắt đầu được thừa nhận tại Pháp như một vấn nạn của xã hội từ những năm 1970 và kể từ đó, rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm đối phó với vấn nạn này, nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn.

Theo một cuộc điều tra của nhà xã hội học người Pháp Cécile Carra công bố năm 2009 (thực hiện trên 2000 học sinh từ 7-12 tuổi tại 31 trường học), có hơn 40 % học sinh khẳng định từng là nạn nhân của bạo lực học đường ít nhất một lần trong năm và 28 % học sinh thừa nhận từng là “hung thủ” trong các vụ bạo lực học đường. Vấn đề bạo lực học đường gây lo ngại tới mức Bộ Giáo dục Pháp phải tổ chức một hội nghị kéo dài 2 ngày (7 - 8/4) tại Paris để bàn riêng về chủ đề này.

Phát biểu bế mạc hội nghị ngày 8/4, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Luc Chatel đã đưa ra một số định hướng lớn nhằm chống lại vấn nạn bạo lực học đường. Trước tiên, theo ông Luc Chatel, cần phải xây dựng một cơ sở dữ liệu về bạo lực học đường để đánh giá đúng thực trạng vấn đề, từ đó có thể có những giải phù hợp. Tiếp đó, cần tăng cường đào tạo cho đội ngũ giáo viên và nhân viên các trường học cách xử lý các tình huống khi bạo lực học đường xảy ra.

Ngoài 2 giải pháp nêu trên, Bộ giáo dục Pháp cũng thông báo một số giải pháp khác như tăng cường an ninh cho các trường học thông qua việc lắp đặt camera giám sát, thậm chí là lắp đặt cửa an ninh nếu cần thiết; tăng cường các biện pháp trừng phạt nhưng đồng thời cũng chú ý không để các học sinh cá biệt bị đẩy ra ngoài xã hội hoặc buộc phải chuyển trường liên tục mà không giải quyết được tận gốc vấn đề./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên