“Nạn nhân” mới từ thói quen Ngoại giao Twitter của ông Trump
VOV.VN - Đã hứa sẽ kiềm chế nhưng mới đây ông Trump lại đôi co với 1 lãnh đạo nước ngoài trên Twitter, lần này là Thủ tướng Australia.
Ngày 2/2, Australia chính thức gia nhập một “câu lạc bộ” đặc biệt khi nước này lần đầu trở thành mục tiêu chỉ trích của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội Twitter.
Lần này, Tổng thống Donald Trump đã khơi mào tranh cãi trên Twitter với lãnh đạo của một quốc gia đồng minh. Ảnh: Reuters. |
Trong khi chính phủ của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Đại sứ quán Mỹ ở Canberra nhắc đi nhắc lại cam kết rằng thỏa thuận về người tị nạn giữa Mỹ và Australia sẽ tiếp tục được thực thi, tân Tổng thống Donald Trump đăng dòng trạng thái đầy nghi hoặc về thỏa thuận này trên Twitter.
Ông viết: “Mọi người có tin được không? Chính quyền của ông Obama đã đồng ý tiếp nhận hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp từ Australia. Vì sao chứ? Tôi sẽ nghiên cứu lại thỏa thuận ngu ngốc này!” |
Dòng Tweet gây sốc đối với nhiều người Australia cũng như những nước khác bởi họ không thể ngờ Tổng thống Donald Trump có thể công khai tạo ra làn sóng chỉ trích đối với một đồng minh gắn bó mật thiết lâu nay của Mỹ.
Ông Trump nổi tiếng với những phát ngôn gây sốc như thế trên mạng xã hội từ trước khi đắc cử. Sau khi nhậm chức ông vẫn không thể từ bỏ thói quen sử dụng Twitter đến mức giờ đây một số nước đã gọi đó là phong cách “ngoại giao Twitter” của ông.
Dường như các nước đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ sẽ phải dần làm quen với điều đó. Ngoài Australia, một số nước cũng đã được “nếm mùi” phong cách ngoại giao độc đáo này như:
1. Mexico:
Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Trump đã cam kết sẽ bắt Mexico phải chi trả cho bức tường dọc biên giới giữa 2 nước.
Sau khi nhậm chức, trên trang Twitter của mình, Tổng thống Trump viết: “Mexico đã lợi dụng Mỹ quá lâu rồi. Thâm hụt thương mại lớn và sự giúp đỡ ít ỏi đối với đường biên giới mỏng manh cần phải thay đổi ngay bây giờ”.
Ông Trump cũng tuyên bố nếu Mexico không muốn chi trả cho bức tường thì nên hủy cuộc gặp song phương dự kiến giữa Tổng thống 2 nước. Và Tổng thống Mexico đã thực sự làm điều đó. Tổng thống Mexico hủy cuộc gặp Tổng thống Mỹ về bức tường biên giới
2. Iran:
Không lâu sau khi đăng dòng tweet về thỏa thuận người tị nạn với Australia ngày 2/2, Tổng thống Donald Trump lại đăng dòng tweet cho rằng Iran đang “lấy đi ngày càng nhiều thứ của Iraq”. Ông cũng cho rằng Mỹ đã “lãng phí 3.000 tỷ USD” ở Iraq.
Bình luận của ông Trump đưa ra sau khi người phát ngôn Nhà Trắng lên án vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran.
3. Trung Quốc:
Ngay trước thềm lễ tuyên thệ nhậm chức của mình, ông Trump nhiều lần đăng dòng tweet về Trung Quốc, cáo buộc nước này “lấy đi một lượng lớn tiền bạc, của cải từ nước Mỹ” và xây dựng “một khu phức hợp quân sự lớn” ở Biển Đông mà “không hỏi ý kiến Mỹ”.
Khi mới đắc cử, ông Trump cũng đã gây sóng gió trong quan hệ với Trung Quốc khi nhận cuộc gọi chúc mừng của người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn và chia sẻ trên Twitter lời cảm ơn bà Thái. Đây được xem là động thái thách thức cam kết của Mỹ với chính sách “Một Trung Quốc” lâu nay của Mỹ, theo đó, Mỹ không công nhận nền độc lập của Đài Loan.Trung Quốc lên tiếng về cuộc gọi của ông Trump với lãnh đạo Đài Loan
4. Cuba:
Vài ngày sau khi cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro qua đời, ông Trump đe dọa sẽ chấm dứt tiến trình khôi phục quan hệ ngoại giao giữa 2 nước nếu Cuba “không sẵn sàng tạo một thỏa thuận tốt hơn”.
Trước đó, năm 2014, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã tuyên bố mở lại các cuộc đối thoại giữa 2 nước sau nhiều thập kỷ. Nhờ đó, 2 nước đã nối lại các chuyến bay thương mại và mở lại các Đại sứ quán ở mỗi bên.
5. Israel:
Israel, đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông, là một trong những nước hiếm hoi được Tổng thống Donald Trump ca ngợi trên Twitter.
Cuối tháng 12/2016, ông Trump, khi đó vẫn còn là Tổng thống đắc cử, đã nói rằng “Israel từng có một người bạn vĩ đại ở Mỹ” và kêu gọi nước này hãy “kiên cường” chờ tới lễ nhậm chức của ông.
Dòng tweet đăng lên ngay sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án các khu định cư cho người Do Thái của Israel ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Israel lập tức xây thêm nhà định cư sau khi ông Trump nhậm chức
6. Nga:
Nga cũng là một nước khác nhận được sự ưu ái của ông Trump trên mạng Twitter.
Sau khi báo chí Mỹ tố Nga triển khai chiến dịch tấn công mạng thu thập thông tin về các ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016 và rò rỉ thông tin gây bất lợi cho các đối thủ của ông Trump, ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa lúc đó đã đăng dòng tweet khẳng định Nga “không bao giờ” tìm cách nâng đỡ ông.
Ông Trump viết: “Tôi không liên quan gì tới Nga, không thỏa thuận, không nợ nần, không gì cả!”
Khi đắc cử nhưng chưa nhậm chức, ông Trump cũng đã nhiều lần đăng dòng tweet nêu bật sự cần thiết phải có mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Ông cho rằng Mỹ đã có đủ vấn đề trên khắp thế giới vì thế không nên tự chuốc thêm một rắc rối nữa trong quan hệ với Nga. Ông Trump tin rằng khi ông lên làm Tổng thống, Nga sẽ tôn trọng Mỹ hơn./. Tổng thống Mỹ Donald Trump: "Quan hệ tốt với Nga là điều tốt"