NATO chi hơn 1 tỷ USD cho hạ tầng hệ thống phòng thủ tên lửa

Số tiền này được đầu tư nhằm nâng cao năng lực của hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ huy, kiểm soát hệ thống phòng thủ tên lửa

Các thành viên NATO đã cam kết đóng góp hơn 1 tỷ USD để đảm bảo hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu - Frank A. Rose, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, kiêm Phó trợ lý Cục Kiểm soát, xác minh và tuân thủ vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 3/7.

Các thành viên NATO đã cam kết đóng góp hơn 1 tỷ USD để đảm bảo hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu (Ảnh: Ria)

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Lisbon, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các quốc gia thuộc NATO cũng đã quyết định mở rộng phạm vi hoạt động của "Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường phân tầng chủ động" (ALTBMD).

“Các đồng minh NATO đã cam kết đầu tư hơn 1 tỷ USD cho hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ huy, kiểm soát để tăng cường năng lực cho hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ", ông Frank Rose cho biết tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 về phòng thủ tên lửa diễn ra tại Paris ngày 3/7 vừa qua.

Nga và NATO đã đồng ý hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu tại Hội nghị Thượng đỉnh Lisbon được tổ chức tháng 11/2010. NATO khẳng định không nên có hai hệ thống trao đổi thông tin độc lập, trong khi Nga cũng ủng hộ một hệ thống liên doanh với đầy đủ khả năng tương tác.

Nga vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa gần biên giới của mình của Mỹ và NATO sẽ là một mối đe dọa an ninh đối với Nga. Trong khi đó, NATO và Mỹ lại nhấn mạnh rằng, lá chắn tên lửa này được thiết lập nhằm bảo vệ các thành viên NATO chống lại tên lửa từ Triều Tiên và Iran và không nhằm chống lại Nga.

Moscow khẳng định, nước này cần phải nhận được sự cam kết bằng văn bản từ Washington rằng lá chắn phòng thủ tên lửa châu Âu sẽ không nhắm mục tiêu là các lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga.

Các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Nga đã nhiều lần cảnh báo các đối tác phương Tây rằng, nếu việc đàm phán thất bại, Moscow sẽ đưa ra một loạt các biện pháp bao gồm việc triển khai các tên lửa đạn đạo Iskander tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại Kaliningrad./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên