NATO chính thức khởi động phê chuẩn Phần Lan, Thuỵ Điển làm thành viên
VOV.VN - Tiến trình phê chuẩn việc Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO sẽ phụ thuộc vào mỗi quốc gia thành viên NATO và thường kéo dài từ 8 đến 12 tháng.
30 quốc gia thành viên khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO ngày hôm nay, 5/7, sẽ chính thức ký nghị định thư về việc kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển vào NATO để qua đó khởi động tiến trình phê chuẩn đơn xin gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu tại Nghị viện mỗi quốc gia thành viên NATO.
Nghị định thư được ký trong ngày 5/7 tại Brussels sẽ chính thức khởi động tiến trình xét duyệt đơn xin gia nhập khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển. Để được trở thành thành viên chính thức của Liên minh quân sự, hai quốc gia Bắc Âu cần nhận được sự đồng ý của Nghị viện toàn bộ 30 quốc gia thành viên NATO.
Trong ngày 4/7, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan, Antti Kaikkonen và Ngoại trường Thuỵ Điển, Ann Linde đã có các thảo luận cuối cùng với các quan chức NATO, tại Brussels để khẳng định một cách chính thức nguyện vọng gia nhập NATO cũng như năng lực đáp ứng với các nghĩa vụ chính trị, pháp lý và quân sự của khối.
Trước đó, tại cuộc họp Thượng đỉnh NATO diễn ra trong tuần trước tại Madrid, Tây Ban Nha, các nước thành viên NATO đã chính thức gửi lời mời Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập Liên minh quân sự, sau khi rào cản cuối cùng là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ được gỡ bỏ.
Việc Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO sẽ là sự kiện có tính bước ngoặt, tạo nên thay đổi về cấu trúc an ninh lớn nhất tại châu Âu kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và được xem là một trong những hệ quả trực tiếp của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tiến trình phê chuẩn việc Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO sẽ phụ thuộc vào mỗi quốc gia thành viên NATO và thường kéo dài từ 8 đến 12 tháng. Tuy nhiên tại Thượng đỉnh NATO tuần trước, hầu hết các nước thành viên NATO đều cam kết sẽ đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn để Phần Lan, Thuỵ Điển sớm trở thành thành viên đầy đủ của NATO, qua đó loại bỏ các nguy cơ về an ninh với hai quốc gia này trong thời gian chờ đợi.
Ẩn số duy nhất vẫn là thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayip Erdogan mặc dù đã rút lại việc phản đối Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO nhưng vẫn cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ bất cứ lúc nào cũng có thể ngăn cản tiến trình này nếu hai quốc gia Bắc Âu không thực hiện các cam kết và nhượng bộ đã ký trong Thoả thuận 3 bên với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó gây tranh cãi nhất là việc dẫn độ một số thành viên lực lượng người Kurd, mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là thuộc thành phần khủng bố, hiện đang sống ở Phần Lan và Thuỵ Điển về Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử./.