NATO kêu gọi phản ứng quốc tế về vũ khí hóa học tại Syria
VOV.VN -Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng cộng đồng quốc tế cần phản ứng lại việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
Phát biểu hôm 2/9 Tổng thư ký NATO ông Anders Fogh Rasmussen khẳng định rằng Tổng thống Syria al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học gần Damacus hồi tháng trước.
“Tôi đã được nghe các thông tin cụ thể. Riêng cá nhân tôi cho rằng, việc sử dụng vũ khí hóa học đã diễn ra tại nước này và chính quyền của ông al-Assad phải chịu trách nhiệm về việc này.
Theo tôi, cộng đồng quốc tế nên phản ứng đối với vụ việc này. Nếu không chúng ta sẽ gửi một tín hiệu rất nguy hiểm đối với thế giới rằng các nước có thể sử dụng tùy tiện vũ khí hóa học mà không bị cộng đồng quốc tế phản ứng”, ông Rasmussen nói.
Mặc dù nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phản ứng đối với việc sử dụng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này, nhưng ông Rasmussen loại trừ vai trò của NATO trong các cuộc tấn công quân sự tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thư ký NATO Rasmussen kêu gọi phản ứng từ cộng đồng quốc tế (Ảnh: Reuters) |
Cùng ngày Liên đoàn Arab (AL) đã ra nghị quyết kêu gọi hành động quốc tế chống lại chính phủ Syria.
Trong khi đó, phía chính phủ Syria đã kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chung vai gánh vác trách nhiệm ngăn chặn bất kỳ sự xâm lược nào đối với nước này và thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở nước này.
Lời kêu gọi này của Damacus đưa ra sau khi Mỹ và một số nước phương Tây đang có những động thái nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công đơn phương Syria.
Tại cuộc họp tại Cairo Ai Cập, các Ngoại trưởng của Liên đoàn Arab đã đưa ra bản nghị quyết kêu gọi Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hãy đảm đương trách nhiệm của mình được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế bằng cách “ngăn chặn và có các biện pháp cần thiết chống lại chính phủ Syria.
Theo đó, các ngoại trưởng Liên đoàn Arab quy trách nhiệm cho chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tại ngoại ô thủ đô Damacus và yêu cầu đưa những kẻ chủ mưu ra tòa án quốc tế xét xử như những “tội phạm chiến tranh khác”.
Ngoài ra, họ cũng kêu gọi “các hình thức ủng hộ mà nhân dân Syria cần”, trong đó Saudi Arabia kêu gọi cộng đồng quốc tế có các bước đi cần thiết để ngăn chặn bạo lực của chính phủ Syria.
Tuy vậy, Liên đoàn Arab đã không kêu gọi tấn công quân sự nhằm vào Syria bởi có một số nước đã phản đối sự chọn lựa này.
Phát biểu sau cuộc họp, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Nabil Elaraby nói: “Các biện pháp quân sự là vấn không được đề cập như nhà trung gian hòa giải Lakhdar Brahimi đã báo cáo Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Không được loại bỏ chính phủ Syria cũng như phe đối lập. Tất cả phải giải quyết bằng giải pháp chính trị”
Tại cuộc họp tại Cairo, các ngoại trưởng của Liên đoàn Arab cũng có chia rẽ trong vấn đề Syria. Algeria bác bỏ việc can thiệp quân sự và kêu gọi đàm phán chính trị.
Theo đó, ông Murad Madlisi, Ngoại trưởng Algeria cho rằng: “Những chi phí và dính líu của việc can thiệp quân sự tới cả khu vực là rất nghiêm trọng”.
Trong khi đó, Iraq vẫn theo đuổi một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Elaraby cho rằng, không có sự chia rẽ giữa các quốc gia Arab trong cách tiếp cận với cuộc khủng hoảng Syria: “Tôi có thể nói rằng, có hai quan điểm trong khối. Tuy nhiên, tôi khẳng định, có một ý kiến chung giữa 18 quốc gia, trong đó nhấn mạnh phải có biện pháp ngăn chặn những người đã gây ra tội ác khi sử dụng vũ khí hóa học”
Về phía chính phủ Syria, trong một bức thư gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Maria Cristina Perceval, Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc, ông Bashar Ja'afari kêu gọi: "Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chung vai gánh vác trách nhiệm ngăn chặn bất kỳ sự xâm lược nào đối với Syria và thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở nước này ".
Ông Ja'afari cũng kêu gọi Mỹ nên "giữ vai trò của mình, như một nhà tài trợ hòa bình và là một đối tác với Nga trong việc chuẩn bị cho các hội nghị quốc tế về Syria và không phải là một quốc gia sử dụng vũ lực chống lại bất cứ ai đi ngược lại chính sách của mình" .
Trong diễn một biến liên quan, Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho biết quá trình phân tích về các mẫu vật do đoàn thanh sát viên của Liên Hợp Quốc vừa thu thập tại hiện trường vụ tấn công khí độc ở Syria có thể mất đến 3 tuần.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Martin Nesirky bác bỏ những ý kiến cho rằng việc các thanh sát viên rút khỏi Syria ngày 31/8 là nhằm tạo điều kiện cho cuộc tấn công của Mỹ.
Ông cũng chỉ trích những ý kiến như vậy là một sự xúc phạm đối với hơn 1.000 nhân viên Liên Hợp Quốc đang ở Syria tham gia hoạt động viện trợ nhân đạo. Theo ông Nesirky, các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đã lấy các mẫu phẩm từ thực địa và sẽ chuyển đến hai phòng thí nghiệm ở châu Âu xét nghiệm.
Ông khẳng định rằng Liên Hợp Quốc sẽ có những đánh giá “công bằng và đáng tin cậy” về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học ở Syria dựa trên kết quả xét nghiệm./.