NATO tròn 70 năm: Khi đồng minh chỉ còn là khách hàng
VOV.VN - Trên thực tế, sự ra đời và tồn tại của NATO mang tính chất là một quan hệ đánh đổi lợi ích.
70 năm trước, các nước phương Tây họp nhau tại Washington để ký kết Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, thành lập tổ chức quân sự NATO. Dịp kỷ niệm 70 năm cũng là lúc đặt ra câu hỏi liệu sự tồn tại của liên minh quân sự lớn nhất thế giới này có thật sự còn phù hợp với các biến đổi địa chính trị ngày nay? Câu trả lời có lẽ là không, khi mà giờ đây chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump chỉ coi trọng các đồng minh châu Âu ở lợi ích thương mại.
NATO kỷ niệm 70 năm thành lập trong sự chia rẽ. Ảnh: AP. |
Trong nhiều thập kỷ của Chiến tranh Lạnh, với sự đối đầu Đông-Tây và sự phân cực rõ nét trong quan hệ quốc tế, sự tồn tại của NATO được coi là một thành tố tạo nên thế cân bằng chiến lược và qua đó, tạo nên sự ổn định tương đối, tránh đẩy thế giới đến bờ vực của những cuộc xung đột quân sự quy mô lớn mang tính huỷ diệt. Trong 3 thập kỷ đã qua, NATO đã trải qua 3 thời kỳ, với những khẩu hiệu hành động khác nhau. Những năm đầu sau Chiến tranh lạnh, khẩu hiệu đầu tiên là “NATO toàn cầu”. Thời kỳ tiếp theo với NATO là phóng chiếu sức mạnh để ổn định toàn cầu, với các chiến dịch quân sự tại Kosovo, Afghanistan, Lybia… để thử nghiệm các học thuyết can dự mới.
Thời kỳ thứ 3, mở ra năm 2014, là lúc NATO đột nhiên tìm lại được động lực tồn tại của mình qua cuộc khủng hoảng Ukraina và căng thẳng gia tăng với Nga. Nhưng thời kỳ này cũng đang nhanh chóng khép lại, khi nước Mỹ có một Tổng thống mới, Donald Trump, với các chính sách quá khó dự đoán nhưng lại đầy ác cảm với chính NATO. Khối quân sự của 29 nước thành viên trong 2 năm qua là một tập hợp của những bất đồng, từ việc tranh cãi gay gắt liên quan đến chia sẻ gánh nặng tài chính, đe doạ và căng thẳng.
Tất cả những điều đó khiến chính các chuyên gia quân sự phương Tây phải đặt ra câu hỏi: liệu sự tồn tại của NATO đã đến lúc kết thúc và phải chăng phương Tây cần phải xây dựng cho mình một cơ chế an ninh mới?
Thực chất của vấn đề nằm ở chỗ, tính chất mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu dưới thời ông Donald Trump đang thay đổi. Trong nhiều thập kỷ, quan hệ đồng minh liên Đại Tây Dương luôn được cả Mỹ và châu Âu coi là trụ cột quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại và an ninh của mỗi bên.
Nhưng nước Mỹ của ông Donald Trump đang nhìn châu Âu dưới 2 cấp độ: trước hết là khách hàng, tiếp đến mới là đồng minh. Sự thay đổi cách nhìn này, dù có thể chỉ trong trung hạn, cũng đã biến đổi sâu sắc nhận thức của châu Âu về NATO.
Trên thực tế, sự ra đời và tồn tại của NATO mang tính chất là một quan hệ đánh đổi lợi ích. Mỹ chi đến 72% ngân sách NATO và dùng sức mạnh quân sự của mình bảo vệ an ninh châu Âu, đổi lại, Mỹ sẽ thu được các lợi ích kinh tế từ châu Âu, từ việc cung cấp vũ khí cho đến xâm nhập thị trường. Đó là mối quan hệ hai bên cùng có lợi, mà nước Đức là một điển hình. Nhưng giờ đây, ông Donald Trump với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” đang muốn thu lợi bằng cả hai tay, từ việc “bán” cái ô an ninh với giá cao, đến việc dùng chính cái ô an ninh đó gây sức ép với châu Âu để đạt được lợi thế thương mại.
Chủ nghĩa đơn phương hung hăng và bất chấp lợi ích đồng minh này của Mỹ buộc châu Âu phải tự tìm hướng đi mới về an ninh và quốc phòng, dù đến lúc này vẫn hết sức mơ hồ. Đó có thể là hướng đi theo tham vọng truyền thống của Pháp về việc xây dựng một sự “tự chủ chiến lược” về quốc phòng và an ninh châu Âu, cụ thể hoá bằng việc ra đời một quân đội châu Âu trên nền tảng các dự án quốc phòng chung.
Đó cũng có thể là con đường thụ động theo kiểu “chính sách đà điểu”, rúc đầu và lẩn tránh thách thức từ phía Đức. Và cuối cùng, khi NATO đem lại bất an thay vì đảm bảo, các quốc gia khác, như Thổ Nhĩ Kỳ, đang tự hành động theo lợi ích riêng của mình, để tìm một chỗ đứng mới trong cuộc biến động chính trị lớn đang ngày càng rõ ràng hơn của thế kỷ 21./.
Chia rẽ và bất đồng phủ bóng lễ kỷ niệm sinh nhật 70 năm của NATO
Mỹ hối thúc chia sẻ gánh nặng tài chính giữa các thành viên NATO