Nelson Mandela - biểu tượng của hoà giải
VOV.VN - Những gì Nelson Mandela làm được với ông là bình thường nhưng với người dân Nam Phi và cả thế giới, đó là những điều phi thường.
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đêm 5/12 thông báo, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela - biểu tượng của phong trào chống phân biệt chủng tộc đã qua đời ở tuổi 95.
Ông Nelson Mandela được biết đến là một biểu tượng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid và là biểu tượng của hoà giải ở "Quốc gia Cầu vồng". Nhờ sự lãnh đạo của ông, xã hội và người dân Nam Phi đã được đón nhận những sự đổi thay khiến cả thế giới ca ngợi.
Ông Nelson Mandela được hàng triệu người dân Nam Phi cũng như trên khắp thế giới kính trọng và yêu mến vì đức tính khiêm tốn, giản dị và sẵn sàng hy sinh cho người nghèo.
Nelson Mandela tại cuộc gặp với Chủ tịch Fidel Castro (Ảnh: AP) |
Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela sinh ngày 18/7/1918 ở làng Mvezo, thuộc tỉnh Cape, Nam Phi. Ông lên nắm quyền từ năm 1994 đến 1999 với chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ lần đầu tiên theo phương thức phổ thông đầu phiếu tại Nam Phi.
Trước khi trở thành Tổng thống, ông Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid và làm thủ lĩnh phái vũ trang của Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Năm 1962, ông bị bắt giữ và bị buộc tội phá hoại chính trị cùng các tội danh khác và bị tuyên án tù chung thân. Ông Mandela đã phải trải qua 27 năm trong lao tù.
Sau khi được trả tự do vào ngày 11/2/1990, ông đã lãnh đạo đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) giành thắng lợi vẻ vang - đánh đổ chủ nghĩa Apartheid và tiến hành một cuộc tổng tuyển cử lịch sử, trong đó đa số người da đen Nam Phi lần đầu tiên được phép bỏ phiếu và ông trở thành vị Tổng thống da đen đầu tiên được bầu dân chủ của nước này.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, từ năm 1994 đến 1999, ông Mandela luôn ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc. Nelson Mandela thôi làm Tổng thống vào năm 1999 và tiếp tục công việc của một nhà chính trị lão thành để cống hiến thời gian của mình cho những vấn đề nhân quyền và giải quyết nạn dịch AIDS. Ông tiếp tục làm luật sư và lúc 85 tuổi, ông thông báo rằng do sức khỏe yếu kém nên ông muốn về hưu để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Tại Nam Phi, cố Tổng thống Mandela còn được biết tới với tên gọi Madiba - một tước hiệu danh dự mà bộ lạc của ông thường trao cho những già làng. Trong sự nghiệp chính trị kéo dài hơn bốn thập niên, ông đã nhận hơn 250 giải thưởng, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993, và gần đây nhất ông được nhận giải thưởng Ðại sứ Lương tâm của Tổ chức Ân xá Quốc tế năm 2006.
Cố Tổng thống Mandela được cả thế giới kính phục vì trong thời gian lãnh đạo, ông đã đem lại hòa bình cho đất nước và người dân ở Nam Phi. Phát ngôn viên của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Bill Shipsey nói: "Qua sự tranh đấu chống phân biệt chủng tộc và đã giành thắng lợi, ông Mandela chỉ cho thế giới thấy rằng không có vấn đề gì không giải quyết được".
Còn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon trong thông điệp kỷ niệm “Ngày Quốc tế Nelson Mandela” đã nhấn mạnh, ông đặc biệt ấn tượng về sự khiêm tốn của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Ông Ban cho rằng, dù ông Mandela luôn tự cho mình là một người bình thường, nhưng trên thực tế, ông đã làm được những điều hết sức phi thường. Đó chính là một trong những lý do khiến ông được hàng triệu người, không chỉ ở quê hương Nam Phi mà còn ở khắp nơi trên thế giới, yêu mến và kính trọng.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói: “Ông Nelson Mandela là một luật sư và là người đấu tranh cho tự do. Ông ấy còn là một tù nhân chính trị, một nhà hoà giải và là tổng thống. Là một sứ giả hoà bình, cố vấn cho các thế hệ lãnh đạo và người dân ở khắp nơi trên thế giới, ông Nelson Mandela đã giành 67 năm cuộc đời của mình để cống hiến cho đất nước, mang lại sự đổi thay cho người dân ở Nam Phi. Món quà của thế giới dành cho ông là phải nỗ lực thay đổi để thế giới ngày một tốt hơn”.
Nhằm tôn vinh những đóng góp vĩ đại của ông trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đấu tranh vì nhân quyền và hòa hợp dân tộc, năm 2009, Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 18/7 hàng năm là “Ngày quốc tế Nelson Mandela”. Đông đảo các tổ chức và cá nhân đã hưởng ứng phong trào do Liên Hợp Quốc phát động dành ít nhất 67 phút trong ngày này để giúp đỡ những người khốn khó trong cộng đồng, như một hành động ghi nhận công lao to lớn mà vị lãnh tụ Nelson Mandela đã cống hiến cho đất nước trong suốt 67 năm của cuộc đời.
Với thế giới đương đại, ông Nelson Mandela đã trở thành một biểu tượng của tự do và bình đẳng. Từ khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt, ông nhận được sự ca ngợi khắp nơi, kể cả trong những người Nam Phi da trắng và từ các lực lượng đối lập trước kia. Hình ảnh và tinh thần bất diệt của ông Nelson Mandela luôn hiện hữu trong trái tim của người dân Nam Phi và của những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới./.