New Zealand đặt mục tiêu thành quốc gia không phát thải vào năm 2050
VOV.VN - Hôm 8/5, chính phủ New Zealand vừa đệ trình lên Quốc hội dự luật đặt mục tiêu đưa nước này trở thành quốc gia không phát thải vào năm 2050.
Các nhà quan sát đánh giá đây là bước đi mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm cao của chính phủ nước này khi đưa mục tiêu cắt giảm khí thải thành quy định của pháp luật.
Đất nước New Zealand. Ảnh: NIWA. |
Dự thảo luật mà chính phủ New Zealand vừa đệ trình Quốc hội đặt mục tiêu xây dựng quốc gia không phát thải vào năm 2050 mà không tính đến khí mê-tan (methane) sinh học được sản sinh từ đàn gia súc của nước này.
Riêng với khí mê-tan sinh học, dự luật có phần nới lỏng hơn khi đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 10% so với mức năm 2017. Đến năm 2050, mức độ giảm sẽ tăng lên từ 24% đến 47%. Vì chăn nuôi gia súc là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của New Zealand nên chính phủ không thể quá khắt khe mà chỉ đặt lộ trình cắt giảm từ từ để không ảnh hưởng đến sinh kế của người dân cũng như tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước.
Để Chính phủ có thể đạt được mục tiêu đề ra, dự luật này cũng đề xuất thành lập một Ủy ban biến đổi khí hậu làm nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ. Dư luận cũng yêu cầu Chính phủ phải tạo ra “ngân sách khí thải” cho từng giai đoạn 5 năm cũng như kế hoạch để triển khai ngân sách này nhằm đạt được mục tiêu như đã định vào năm 2050.
Bên cạnh đó dự luật cũng yêu cầu Chính phủ công bố kế hoạch ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu như các hình thái thời tiết bất thường, hạn hán, cháy rừng cũng như tình trạng nước biển dâng.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 8/5, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định: “Việc đưa mục tiêu không phát thải khí carbonic thành quy định của pháp luật cho thấy cam kết của New Zealand trong việc cắt giảm khí nhà kính, phù hợp với xu hướng chung của toàn thế giới để trái đất chỉ nóng thêm 1,5 độ C.
New Zealand là một trong những quốc gia và có thể là nói là quốc gia duy nhất trên thế giới đưa mục tiêu nỗ lực để nhiệt độ chỉ tăng 1,5 độ C vào trong quy định của luật pháp. Bởi điều này sẽ góp phần bảo vệ các thị trấn và thành phố khỏi tình trạng bị biến mất do nước biển dâng”.
Dự kiến vào cuối tháng này, dự luật sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội New Zealand. Và nếu thuận lợi, dự luật có thể được thông qua vào cuối năm nay./.