New Zealand phát triển công nghệ biến chất thải y tế thành nhiên liệu
VOV.VN - Các nhà khoa học New Zealand đã công bố một công nghệ mới, giúp tái chế các chất thải y tế như khẩu trang và các công cụ y tế bằng nhựa thành dầu diesel thông qua nhiệt phân xúc tác. Các nhà nghiên cứu hy vọng đây sẽ là một bước tiến mới trong việc loại bỏ chất thải y tế một cách bền vững.
Theo báo cáo mới nhất của các nhà nghiên cứu tại Đại học Canterbury, New Zealand, các dạng chất thải y tế từ hạt vi nhựa như khẩu trang, xy-lanh, găng tay… vốn đều là những dạng chất thải khó có thể phân huỷ và khó tái chế, nay đã có thể chuyển hoá thành dầu diesel thông qua các phản ứng nhiệt phân xúc tác; mở ra hi vọng về khả năng xử lý bền vững các loại rác thải nhựa khó phân huỷ từ y tế và sinh hoạt.
Theo Giáo sư Alex Yip, chuyên gia đầu ngành của Đại học Canterbury về hoá sinh, trong vài năm qua, đại dịch Covid-19 đã góp phần làm gia tăng đáng kể lượng rác thải trên toàn cầu, như các loại khẩu trang, bộ xét nghiệm, các chất thải y tế trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân… khiến các nhà quản lý môi trường quan ngại về việc xử lý các loại rác thải này một cách bền vững. Đây cũng là mục tiêu mà các nhà khoa học New Zealand đang hướng tới, và đã nghiên cứu ra một công nghệ mới, cho phép sử dụng nhiệt độ cao (gần 1.000 độ C) với chất xúc tác phù hợp để phá vỡ kết cấu hoá chất phức tạp như nhựa hoặc sinh khối, và biến chúng thành các phân tử nhỏ hơn, có thể được sử dụng trực tiếp làm nhiên liệu.
Ngoài rác thải y tế, các nhà khoa học cũng đang phát triển khả năng ứng dụng của công nghệ này đối với các loại rác thải nhựa sinh hoạt khác, vốn đang là bài toán nan giải của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo đó, đây là công nghệ đã được các nhà khoa học New Zealand nghiên cứu và không ngừng thửu nghiệm trong 10 năm qua, hiện đã đạt được kết quả tốt và hi vọng vứoi sự tài trợ của ngành công nghiệp và chính phủ, sẽ sớm được triển khai thương mại hoá trên diện rộng, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường và xử lý rác thải.