Nga bác khả năng dự Hội nghị hoà bình Ukraine ở Thụy Sĩ vào tháng 6 tới
VOV.VN - Nga hôm qua bác bỏ kế hoạch của Thuỵ Sĩ tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 5 về hoà bình Ukraine, cho rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào mà không có Nga đều là “vô nghĩa”. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ 3 và vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, trong khi mọi nỗ lực ngoại giao tới nay đều không thành công.
Phát biểu tại cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại thủ đô Moscow, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng đàm phán nhưng sẽ không bao giờ chấp nhận “bất kỳ kế hoạch nào không liên quan đến thực tế”. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời chỉ ra nghịch lý trong cách tiếp cận của phương Tây đối với cuộc xung đột tại Ukraine khi một mặt tiếp tục phớt lờ Nga, song mặt khác lại thừa nhận sẽ không thể quyết định được điều gì nếu không có Nga.
Cùng ngày, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskvov nhấn mạnh: “Trước hết, chúng ta cần hiểu công thức hòa bình này nghĩa là gì. Thứ hai, chúng tôi đã nhiều lần nói rằng các cuộc đàm phán không có Nga là vô nghĩa và về bản chất là một quá trình đàm phán lãng phí. Tổng thống Putin cũng nhiều lần nhấn mạnh, Nga luôn cởi mở với quá trình đàm phán và đây cũng là cách chúng tôi ưu tiên sử dụng để giải quyết các vấn đề. Nhưng Nga hiện không thấy bất kỳ triển vọng nào cho việc đó”.
Chính phủ Thuỵ Sĩ hồi giữa tuần này cho biết sẽ đăng cai tổ chức một hội nghị quốc tế vào tháng 6 tới để giúp vạch ra con đường hướng tới hoà bình ở Ukraine. Nước này đồng thời bày tỏ hi vọng một ngày nào đó Nga có thể tham gia vào tiến trình hoà bình. Nếu diễn ra, đây sẽ là hội nghị thứ 5 về hoà bình Ukraine được tổ chức theo yêu cầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Nhà lãnh đạo Ukraine hy vọng các cuộc gặp sẽ dẫn đến việc ấn định thời điểm tổ chức một nghị thượng đỉnh toàn cầu nhằm xây dựng liên minh ủng hộ kế hoạch hoà bình 10 điểm của nước này. Tuy nhiên, 4 vòng đàm phán đều kết thúc bằng những tuyên bố chung chung của những nước tham dự về một nền hoà bình công bằng và lâu dài.
Kế hoạch hoà bình của Ukraine yêu cầu khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, sự rút quân của Nga, cũng như đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng, an toàn hạt nhân và thả tất cả các tù nhân. Tuy nhiên, việc vắng bóng Nga, bên liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột, đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính chính đáng của các cuộc đàm phán về công thức hoà bình của Ukraine. Ngoại trưởng Nga Serrgei Lavrov hồi tuần trước cảnh báo, các cuộc đàm phán sắp tới nhằm chấm dứt giao tranh ở Ukraine chỉ có thể thành công nếu tính đến lợi ích của Nga.