Nga bước đầu ngăn chặn được cuộc khủng hoảng đồng ruble
VOV.VN - Được biết, tính đến khoảng 14h chiều 19/12 theo giờ Việt Nam, đồng ruble đã tăng nhẹ 2,8% so với đồng USD.
Những biện pháp khẩn cấp của Ngân hàng trung ương Liên bang Nga cùng những câu trả lời rõ ràng của Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp báo quốc tế ngày 18/12, đã có tác động tích cực góp phần đẩy giá đồng ruble lên cao và trấn an tâm lý của người dân cũng như nhà đầu tư.
Tính đến khoảng 14h chiều 19/12 theo giờ Việt Nam, đồng ruble đã tăng nhẹ 2,8% so với đồng USD. So với euro, đồng nội tệ của Nga cũng đã tăng 4,1%. Một số nhà phân tích cho rằng, giá đồng ruble được cải thiện là nhờ giá dầu thế giới tăng và thông tin các nhà sản xuất dầu lửa hàng đầu của Nga có thể thanh toán được những khoản nợ sắp đáo hạn.
Nhưng cũng không thể phủ nhận hiệu quả của những biện pháp khẩn cấp và táo bạo của Ngân hàng trung ương Liên bang Nga khi tăng vọt lãi suất một cách bất ngờ thêm 6,5% để đảm bảo ổn định tài chính trong bối cảnh nền kinh tế này bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Nhiều người Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của nước ngoài đã gây ra tình trạng bất ổn hiện nay của nền kinh tế. Chị Svetlana bức xúc chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng tỷ giá hối đoái với đồng USD và euro sẽ thấp hơn vì các lệnh trừng phạt. Nhưng ông Putin sẽ làm gì đó để tình hình hiện nay, với việc vẫn phải nhập khẩu hàng hóa nước ngoài và giá cả thay đổi sẽ không trở nên quá tồi tệ vì biến động của đồng ruble. Tôi nghĩ mọi việc rồi sẽ ổn thỏa".
Trong khi đó, anh Nicolai, một người dân sống ở Thủ đô Moscow cho biết: “Ít nhiều gì chúng tôi cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Vì thế, so sánh với những gì nước Nga đã trải qua trong 25 năm qua thì điều này không có gì nổi bật”.
Giới chức ở Moscow đã tạm trấn an được lòng dân cũng như các nhà đầu tư song khó khăn vẫn còn ở phía trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ký ban hành các lệnh trừng phạt mới đối với Nga trong khi Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ duy trì các lệnh trừng phạt hiện nay.
Phát biểu bế mạc hội nghị thượng đỉnh mùa đông của Liên minh châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người từng kiên trì dẫn dắt tiến trình đàm phán với Nga nhưng không thành cho biết, các lệnh trừng phạt đối với Nga chỉ được dỡ bỏ khi Moscow có hành động thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền lãnh thổ của các nước khác.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Francois Hollande lại cho rằng không cần thiết phải vội vàng tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Moscow ngay lúc này khi tình hình ở Ukraine đang lắng dịu. Dù đã thống nhất về việc đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vẫn chưa muốn công bố vì lo ngại điều này có thể làm leo thang căng thẳng.
Nhiều nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cho rằng, cần phải tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Nga vì lợi ích kinh tế lâu dài của khối cũng bị ảnh hưởng rất nhiều sau khi giá dầu và đồng ruble của Nga trượt dốc nhanh chóng./.