Nga cảnh báo Ukraine về các điều khoản đàm phán hòa bình cứng rắn hơn
VOV.VN - Lãnh đạo cơ quan tình báo Nga cho rằng, Ukraine nên nghiêm túc xem xét đề xuất mới nhất của Tổng thống Putin nhằm chấm dứt xung đột, nếu không, Kiev sẽ phải đối mặt với các điều khoản ứng rắn hơn sau này.
Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), Sergey Naryshkin, cho rằng việc Ukraine từ chối chấp nhận đề xuất mới nhất của Tổng thống Putin nhằm chấm dứt xung đột sẽ dẫn đến việc Moscow đặt ra các điều kiện cứng rắn hơn đối với bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nào trong thời gian tới.
Tổng thống Putin ngày 14/6 nói rằng, Moscow có thể sẽ ra lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán ngay khi Kiev rút hoàn toàn quân khỏi 4 vùng đã sáp nhập vào Nga gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.
Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh, một nền hòa bình lâu dài có thể đạt được nếu Ukraine cam kết duy trì tình trạng trung lập và chấp nhận thực tế rằng 4 vùng nêu trên cùng với bán đảo Crimea đã lựa chọn sáp nhập vào Nga.
Theo ông Putin, tất cả những điều khoản này cùng với một số điều khoản khác cần được công nhận ở cấp độ quốc tế, tiếp sau đó phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Cả Ukraine và NATO đều bác bỏ đề xuất của Tổng thống Putin. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng những điều kiện mà Tổng thống Nga Putin đưa ra để chấm dứt xung đột là “tối hậu thư” đối với Kiev và do đó không thể chấp nhận được.
Phát biểu với các phóng viên ngày 17/6, ông Naryshkin cho rằng tốt hơn là Ukraine nên chấp nhận lời đề nghị của Tổng thống Putin ngay bây giờ.
“Lần sau, các điều khoản để đạt được lệnh ngừng bắn và một thỏa thuận hòa bình sẽ khó khăn hơn đối với Ukraine”, ông cảnh báo.
Phát biểu với các phóng viên tại hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ đăng cai hôm 16/6, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba thừa nhận rằng, cuối cùng sẽ cần phải có sự tham gia của Nga vào các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng Kiev muốn ở vị thế thương lượng tốt hơn.
“Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột và tất nhiên, chúng ta cũng cần phía bên kia ngồi vào bàn đàm phán.Rõ ràng là cần phải có sự tham gia của cả 2 bên để kết thúc cuộc xung đột. Việc của chúng tôi là đảm bảo rằng Ukraine ở vị thế mạnh nhất vào thời điểm cần phải thương lượng với Nga”, Nhà ngoại giao hàng đầu của Kiev tuyên bố.
Nga không được mời tham gia hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ. Moscow mô tả hội nghị này là vô nghĩa, do Kiev và các nước phương Tây không sẵn lòng xem xét các điều khoản của Nga. Hội nghị thượng đỉnh chủ yếu dựa trên “công thức hòa bình” 10 điểm do Tổng thống Ukraine Volodymyr đề xuất, điều mà Moscow đã kiên quyết bác bỏ.
Trong số 92 quốc gia tham dự hội nghị, chỉ có 78 quốc gia ký thông cáo cuối cùng. Những nước còn lại lập luận rằng, sẽ không thể có bước tiến có ý nghĩa nào liên quan đến việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine nếu không có sự tham gia của Nga.