Nga cảnh báo về cuộc chạy đua vũ trang tiềm tàng với Mỹ
VOV.VN - Việc lần đầu tiên Mỹ thử nghiệm loại tên lửa bị cấm theo các điều khoản của INF cũng đã ngay lập tức bị Trung Quốc và Triều Tiên chỉ trích.
Nga vừa lên tiếng cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang tiềm tàng với Mỹ, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/8 bàn về tuyên bố mới đây của giới chức Mỹ liên quan tới kế hoạch phát triển và triển khai tên lửa tầm trung sau khi nước này rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Việc lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ cho thử nghiệm loại tên lửa bị cấm theo các điều khoản của INF trong hơn 30 năm qua cũng đã ngay lập tức bị Trung Quốc và Triều Tiên chỉ trích, cho rằng động thái này sẽ tạo ra mối đe dọa về an ninh.
Việc Mỹ thử nghiệm tên lửa tầm trung sẽ khiến thế giới bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ảnh: The National Interest |
Nguy cơ về một cuộc chạy đua phát triển tên lửa tầm trung giữa Mỹ và Nga ngày càng hiện hữu, khi mà chỉ hơn hai tuần sau khi cả hai nước chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Mỹ đã tiến hành thử nghiệm tên lửa tầm trung đất đối đất tại đảo San Nicolas, bang California, phía Tây nước này. Động thái bất ngờ của Mỹ khiến Nga tuyên bố buộc phải có “biện pháp đáp trả”, bao gồm phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất.
Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy ngày 22/8 cảnh báo: “Nhìn chung, chúng ta có lẽ đều đã thấy rõ tham vọng địa chính trị của Mỹ, chúng ta chỉ còn một bước nữa là tiến tới một cuộc chạy đua vũ trang không thể kiểm soát hay điều chỉnh dù bằng bất cứ cách nào. Chúng tôi thực sự đang rất lo ngại về viễn cảnh đó”.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xử lý vấn đề Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng mới đây chỉ trích động thái của Mỹ sẽ tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới, đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu. Đối với Trung Quốc và Nga, vụ thử tên lửa vừa qua là bước đi mới nhất trong hàng loạt hành động khiêu khích của Mỹ. Mỹ gần đây cũng tính chuyện đưa tên lửa mới đến châu Á-Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc thậm chí còn công bố ý định thử nghiệm tên lửa đạn đạo với tầm bắn 3.000-4.000 km từ cuối năm nay.
Không riêng gì Nga và Trung Quốc, Triều Tiên cũng lấy làm lo ngại, việc Mỹ phóng thử tên lửa hành trình gần đây sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh. KCNA dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên vừa điều kiện nếu Mỹ không chấm dứt “những hành động thù địch” có nguy cơ châm ngòi “chiến tranh lạnh mới” thì Triều Tiên sẽ không đàm phán hạt nhân với nước này.
Có vẻ như hệ quả trực tiếp từ sự sụp đổ của INF đã trở nên rõ ràng hơn. Giới chuyên gia nhận định, vụ thử nghiệm khẳng định quyết tâm phát triển tên lửa của Mỹ đã giáng đòn mạnh vào một trong những trụ cột cuối cùng của cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế, có thể phá vỡ cân bằng quyền lực quân sự Nga - Trung - Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh và không loại trừ viễn cảnh thế giới tiến gần hơn tới một cuộc chạy đua vũ trang.
Hiện chưa rõ Mỹ còn tính toán những gì với động thái bất ngờ của mình, song quyền đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Jonathan Cohen vẫn một mực khẳng định rằng: “Cuộc thử nghiệm tên lửa trên mặt đất của Mỹ không phải nhằm mục đích khiêu khích hay gây bất ổn. Đây chỉ là một phản ứng khôn ngoan để đảm bảo Mỹ có khả năng bảo vệ lợi ích của chúng tôi trong thế giới hậu hiệp ước INF”.
Dẫu vậy, không ít chuyên gia quân sự lo ngại rằng, bất kỳ tính toán sai lầm nào của Mỹ và Nga thời điểm này khi dấn thân vào cuộc chạy đua phô trương sức mạnh thì hậu quả tất yếu đều sẽ phương hại tới an ninh và sự ổn định chiến lược toàn cầu./.