Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu
VOV.VN - Tuy nhiên, Nga cũng khẳng định không muốn tiếp tục gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới trong mùa Đông này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/10 tuyên bố sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu nếu Ukraine còn chiết xuất khí đốt trong các đường ống dẫn từ Nga qua Ukraine sang các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Trong một tuyên bố trước báo giới khi đang ở thăm Serbia, Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh: Nga không muốn tiếp tục gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới trong mùa Đông này.
Tổng thống Putin nói: “Tôi thực sự không muốn chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra trong năm nay. Nga luôn là một nhà xuất khẩu khí đốt đáng tin cậy. Chúng tôi có đủ nguồn lực để cung cấp đủ nhu cầu khí đốt cho chính chúng tôi cũng như các đối tác của chúng tôi ở châu Âu và châu Á. Tuy nhiên có nguy cơ rất lớn ở các đường ống dẫn khí đốt trung chuyển. Nếu chúng tôi phát hiện đối tác Ukraine lấy khí đốt từ đường ống dẫn mà không có sự cho phép của chúng tôi, chúng tôi sẽ giảm lượng khí đốt cho các đường ống dẫn này. Tôi hy vọng là chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề này và tôi cũng hy vọng các đối tác của chúng tôi và các đối tác của Ukraine sẽ tìm ra cách để giải quyết vấn đề”.
Vào tháng 6 vừa qua, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã khóa van cung cấp khí đốt cho Ukraine với lý do Ukraine không thanh toán đúng hạn hóa đơn nợ mua khí đốt lên tới 5,3 tỷ USD.
Hiện đang có những thông tin nói rằng Ukraine có thể sẽ phải chiết xuất khí đốt từ các đường ống dẫn khí đốt mà Nga cung cấp cho Liên minh châu Âu qua Ukraine để đảm bảo khí đốt cho mùa đông năm nay.
Mặc dù, Gazprom từng khẳng định sẽ tiếp tục bảo đảm nguồn cung khí đốt cho các nước châu Âu trung chuyển qua Ukraine, nhưng nhiều nước Liên minh châu Âu hiện nhập khẩu hơn 1/3 lượng khí đốt của Gazprom và một nửa trong số này trung chuyển qua Ukraine, không tránh khỏi lo ngại về việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine sẽ ảnh hưởng đến chính họ.
Nga hiện là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho Liên minh châu Âu với tổng lượng cung ứng chiếm đến hơn 30% nhu cầu dầu mỏ và khí đốt của Liên minh châu Âu.
Trước đây, Châu Âu đã từng nhiều lần rơi vào cuộc khủng hoảng khí đốt do căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Sự cố tồi tệ nhất là vào đêm giao thừa năm 2009, khi tranh chấp giá khí đốt giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu ở 18 quốc gia châu Âu.
Sự gián đoạn nguồn cung khí đốt đã đẩy nhiều người dân châu Âu vào tình cảnh buốt giá hay các nhà máy tạm đình trệ vì thiếu năng lượng./.