Nga dừng thỏa thuận ngũ cốc sau vụ tấn công UAV mới nhất vào Crimea
VOV.VN - Nga thông báo ngày 29/10 rằng nước này đã dừng tuân thủ việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian trước đó.
Động thái trên diễn ra sau khi Nga cáo buộc Ukraine tiến hành tấn công UAV quy mô lớn nhằm vào các tàu thuyền đảm bảo hành lang an toàn cho các chuyến nông sản, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Trong một thông báo trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moscow đã "dừng thực hiện các thỏa thuận liên quan đến xuất khẩu nông sản từ các cảng của Ukraine".
Bộ này giải thích, động thái trên được thực hiện sau "cuộc tấn công khủng bố" nhằm vào các tàu của Hạm đội Biển Đen và tàu dân sự đảm bảo an ninh cho hành lang ngũ cốc. Bộ Quốc phòng Nga cũng cáo buộc vụ ném bom này được tổ chức với sự liên quan của quân đội Anh. Bộ Quốc phòng Anh đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đến cuộc tấn công UAV của Ukraine vào Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol và cho rằng những cáo buộc của Nga là "sai lệch" nhằm "chuyển hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế" khỏi chiến dịch quân sự mà nước này thực hiện ở Ukraine.
Bình luận về quyết định dừng thỏa thuận ngũ cốc của Nga, ông Andrey Ermak, Chánh Văn phòng của Tổng thống Zelensky cáo buộc Moscow đang "tống tiền".
Cũng trong ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev thông báo, với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow sẵn sàng cung cấp cho các nước nghèo nhất 500.000 tấn ngũ cố trong 4 tháng tới.
Ông cũng cho biết, Nga "sẵn sàng thay thế toàn bộ ngũ cốc Ukraine" và sắp xếp các đợt vận chuyển tới "tất cả những nước quan tâm" với giá cả hợp lý.
Trước đó, Nga cảnh báo nước này có thể dừng thỏa thuận ngũ cốc nếu thỏa thuận về việc dừng các hạn chế với lương thực và phân bón Nga không được thực hiện. Hơn nữa, sau vụ nổ trên cầu Crimea, Tổng thống Putin cáo buộc Ukraine đã sử dụng hành lang ngũ cốc để vận chuyển chất nổ và điều đó đã "đặt câu hỏi về sự tồn tại của các hành lang này".
Thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine đã đạt được ở Istanbul hồi tháng 7 với sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải phóng xuất khẩu nông sản qua Biển Đen từ Nga và Ukraine, vốn trước đó đã dừng lại do cuộc xung đột giữa 2 bên./.