Nga gọi Đại sứ tại Mỹ về Moscow sau khi ông Biden trả lời phỏng vấn trên ABC
VOV.VN - Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov đã được mời về Moscow tham vấn để phân tích những việc cần làm và đi tiếp như thế nào trong bối cảnh quan hệ với Mỹ vốn đã rất xấu, lại tiếp tục căng thẳng.
Ngày 17/3, Mỹ đã công bố về việc mở rộng các trừng phạt cả về thương mại và xuất nhập khẩu vũ khí chống Nga, cũng như cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống trong năm 2020.
Người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov đã được mời về Moscow tham vấn để phân tích những việc cần làm và đi tiếp như thế nào trong bối cảnh quan hệ với Mỹ. Bà nhấn mạnh rằng, Nga quan tâm đến việc ngăn chặn sự suy thoái không thể đảo ngược của quan hệ với Mỹ, vốn trong những năm gần đây đã đi vào ngõ cụt, do lỗi của Washington.
Bà Zakharova cho rằng, cột mốc biểu tượng 100 ngày của chính quyền mới của Mỹ không còn xa, đây là một lý do để đánh giá về đội ngũ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thảo luận về quan hệ Nga-Mỹ và chính sách của ban lãnh đạo mới của Mỹ sẽ trở thành chủ đề tham vấn giữa Bộ Ngoại giao Nga và các bộ phận liên quan với Đại sứ Nga tại Washington.
Trước đó, ông Biden cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABC rằng, giới lãnh đạo Nga sẽ phải "trả giá" liên quan đến những nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ do Moscow gây ra.
Trong diễn biến liên quan, như thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã nói với các phóng viên hôm qua, Điện Kremlin coi những cáo buộc rằng, Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm 2020 là vô căn cứ và không có cơ sở. Ông Peskov cho biết, Nga sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu hậu quả của các lệnh trừng phạt nhằm bảo vệ lợi ích của đất nước. Ông lấy làm tiếc rằng, công việc của chính quyền Joe Biden bắt đầu từ việc áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Ông Peskov lưu ý đến hàng chục quyết định mang tính chất trừng phạt theo nghĩa đen, buộc Nga phải phòng ngừa rủi ro. Theo lời ông, hành động của các đối thủ là “không thể đoán trước”, do đó “mọi kịch bản đều có thể xảy ra”.
Không chỉ liên quan đến cuộc bầu cử, mà trước đó, trong ngày 17/3, theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, từ ngày 18/3, "Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ này sẽ mở rộng các hạn chế xuất khẩu đối với Nga theo quyết định của Ngoại trưởng ngày 2/3/2021, “liên quan đến việc chính phủ Nga sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học, vi phạm luật pháp quốc tế”. Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh rằng, vụ việc liên quan đến việc "đầu độc" nhân vật Alexei Navalny.
Đến lượt mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Nga đã bị đưa vào danh sách các quốc gia cấm xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí và dịch vụ quốc phòng. Mỹ sẽ bắt đầu sử dụng “giả định miễn trừ” vào ngày 18/3 để xem xét các đơn xin cấp phép xuất khẩu cho hàng hóa và dịch vụ dưới sự kiểm soát của nước này "vì lý do an ninh quốc gia". Đồng thời, cho đến ngày 1/9/2021, có ngoại lệ đối với một số danh mục sản phẩm, bao gồm cả những sản phẩm liên quan đến ngành công nghiệp vũ trụ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã sửa đổi ITAR (Chế độ Kiểm soát Xuất khẩu) để đưa Nga vào danh sách các quốc gia mà Mỹ có chính sách từ chối cấp giấy phép và các giấy phép khác cho xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm quốc phòng và dịch vụ quốc phòng. Quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có hiệu lực vào ngày 18/3. Do đó, Nga nằm trong cùng danh sách với Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi (CAR), Síp, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritrea, Libya, Lebanon, Iraq, Somalia, Nam Sudan và Zimbabwe./.