Nga - Italy: Ủng hộ Thỏa thuận Minsk giải quyết vấn đề Ukraine
VOV.VN -Tại cuộc gặp ngày 10/6, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Italy Renzi đã nhất trí về tầm quan trọng của thỏa thuận Minsk, đó là cơ sở giải quyết xung đột Ukraine.
Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga-Italy diễn ra trong bối cảnh xung đột leo thang tuần trước tại miền Đông Ukraine sau nhiều tháng tình hình tạm lắng dịu nhờ thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 2.
Tổng thống Putin đang thăm Italy và có cuộc gặp với Giáo hoàng bàn về nhiều vấn đề trong đó có cuộc khủng hoảng Ukraine (ảnh: Vatican) |
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Italy nhấn mạnh việc phải thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk để tháo gỡ cả cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Đồng tình với quan điểm của nhà lãnh đạo Italy, Tổng thống Putin cũng nói rằng một giải pháp hòa bình là con đường duy nhất giải quyết vấn đề Ukraine.
Ông khẳng định, việc thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk đạt được hồi tháng 2 là yếu tố sống còn để chấm dứt xung đột tại miền Đông Ukraine: “Chúng ta đều rất quan tâm tới cuộc khủng hoảng Ukraine và chúng ta đều biết rằng không có giải pháp nào ngoài giải pháp hòa bình là có thể chấp nhận được cho vấn đề Ukraine. Italy cũng đã ủng hộ điều này. Các thỏa thuận Minsk phải được thực thi đầy đủ, từ các điều khoản về xã hội, chính trị nhân đạo đến thỏa thuận quân sự. Nhưng thực tế thỏa thuận đã không được tuân thủ đầy đủ. Chúng ta có chung mục đích và sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau thông qua cuộc gặp của các đoàn đại biểu, cuộc gặp cấp Bộ trưởng, hay đại diện của các doanh nghiệp, của các cộng đồng về vấn đề này”
Tổng thống Nga Putin trước đó cũng đã bác bỏ cáo buộc nói rằng Nga “xúi giục” diễn biến xung đột mới tại miền Đông Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng chính quyền Ukraine đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và khiêu khích xung đột mới nhằm gây sức ép với Liên minh châu Âu để kéo dài các lệnh trừng phạt Nga.
Châu Âu đang cân nhắc có gia hạn hay không những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga sẽ hết hạn vào tháng 7. Những trừng phạt này được áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crime năm ngoái.
Đây đồng thời là con dao hai lưỡi gây tổn thất không hề nhỏ với các nước châu Âu. Theo kế hoạch, Liên minh châu Âu sẽ đưa ra quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 25-26/6./.