Nga khẳng định Iran không có tên lửa tầm xa

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Vadim Koval, Iran không có công nghệ chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm trung hoặc tầm xa.

Theo AFP, trong phản ứng đầu tiên của Moscow về việc Iran tiến hành loạt vụ thử tên lửa gần tuyến hàng hải vận chuyển dầu quan trọng ở eo biển Hormuz, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Vadim Koval khẳng định Iran không có tên lửa tầm xa.

Phát biểu với hãng thông tấn Interfax, ông Koval nói: "Iran không có công nghệ chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm trung hoặc tầm xa. Tehran sẽ không thể sớm có được những tên lửa như vậy".

Iran đã mở màn năm mới với một loạt các hoạt động quân sự, trong đó có việc thử tên lửa (Ảnh: Tân Hoa xã)

Moscow có mối quan hệ tương đối thân thiết với Tehran và đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở thành phố Bushehr, miền Nam Iran. Moscow cũng cung cấp nhiêu liệu hạt nhân cho lò phản ứng này.

Trước đó, ngày 2/1, Iran thông báo đã phóng thử 3 quả tên lửa gần tuyến hàng hải vận chuyển dầu ở vùng Vịnh trong bối cảnh các cường quốc phương Tây chuẩn bị áp đặt thêm biện pháp trừng phạt kinh tế do chương trình hạt nhân của Tehran.

Hai quả tên lửa trong số này có thể có tầm bắn tối đa 200km, thường được coi là các vũ khí tầm ngắn, dù truyền thông Iran và người phát ngôn Hải quân nước này miêu tả một trong số tên lửa này là tên lửa "tầm xa". Tên lửa còn lại là tên lửa đối hạm Nasr có tầm bắn 35km.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cũng lên tiếng cáo buộc Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân và kêu gọi các quốc gia châu Âu cùng đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran, cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Phát biểu trước báo chí, ông Juppé cho biết, Tổng thống Pháp N.Sazkozy đã đề xuất việc đóng băng các tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran ở nước ngoài - một giải pháp được xem là mạnh tay và là sự trừng phạt thứ hai của Pháp nhằm vào hoạt động xuất khẩu của Iran. Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh, Pháp muốn các nước châu Âu sẽ có hành động tương tự vào ngày 30/1 tới.

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mỹ tuyên bố cứng rắn đối với Iran

Trong khi đó, một ngày trước khi diễn ra các cuộc bỏ phiếu bầu chọn đại diện của Đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 tại bang Iowa (ngày 3/1), các ứng cử viên của đảng này đã có những tuyên bố cứng rắn đối với Iran sau vụ bắn thử tên lửa tầm xa của nước này.

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình CBS, Hạ nghị sỹ Michele Bachman, ứng cử viên nữ của Đảng Cộng hòa cho rằng, Mỹ cần triển khai tên lửa Patriot, các tên lửa đạn đạo và các hệ thống vũ khí hiện đại khác tại Mỹ và Trung Đông để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Iran rằng, nước Mỹ luôn sẵn sàng và sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đối phó với Tehran. Bà cũng chỉ trích Tổng thống Barack Obama về việc đã tạo ra khoảng cách trong quan hệ với Israel.

Trước đó, phát biểu trong chương trình "Gặp gỡ báo chí" của kênh truyền hình NBC ngày 1/1, ứng cử viên đang nổi lên, cựu Thượng nghị sỹ Rick Santorum cho biết thông điệp của Mỹ là: Tehran phải lựa chọn giữa việc mở cửa các cơ sở hạt nhân, tháo dỡ và cho phép các thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra, hoặc "Mỹ sẽ phá hủy các cơ sở này bằng các cuộc không kích".

Các phát biểu cứng rắn này được đưa ra ngay trước khi diễn ra các cuộc bỏ phiếu tại bang Iowa để chọn ứng cử viên của đảng Cộng hòa.

Theo thăm dò mới nhất của hãng Des Moines Register, trong hai ngày cuối cùng, tỷ lệ ủng hộ ông Santorum đã vượt cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney trở thành người dẫn đầu cuộc đua tại bang Iowa.

Trong một diễn biến có liên quan, trước khi thử tên lửa tầm xa, cuối tuần qua Iran thông báo đã sản xuất được một thanh nhiên liệu hạt nhân sau khi Mỹ quyết định tăng cường các biện pháp cấm vận chống Tehran. Iran cũng dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz để đáp trả các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây.

Vì sao Iran liên tiếp thách thức phương Tây ngay đầu năm?

Iran đã mở màn năm mới với một loạt các hoạt động quân sự khiêu khích: tập trận, bắn thử các tên lửa, thử loại thanh nhiên liệu hạt nhân sẽ được dùng trong các lò phản ứng hạt nhân, lên kế hoạch sản xuất các tàu khu trục hiện đại… Tuy nhiên, nhiều phân tích cho rằng còn lâu Iran mới phát triển được một vũ khí hạt nhân.

Các hành động phô trương sức mạnh mới nhất của Iran diễn ra trong bối cảnh phương Tây gia tăng áp lực đối với Iran, bị tố cáo tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Từ nhiều năm nay, phương Tây đã liên tục gây sức ép, thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân.

Trước đó, ngày 31/12/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban bố một loạt các biện pháp trừng phạt bổ xung liên quan đến lĩnh vực tài chính của Iran, đặc biệt là đối với Ngân hàng Trung ương của nước này - động thái đã khiến đồng tiền của Iran ngay sau đó bị mất giá ở mức kỷ lục. Bên cạnh đó, một số nước phương Tây còn đề cập đến khả năng cấm vận trong lĩnh vực dầu mỏ.

Iran đứng hàng thứ hai trong khối các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và 80% nguồn thu ngoại tệ đến từ dầu mỏ. Tính đến nay, LHQ đã thông qua 6 nghị quyết trong đó có 4 văn bản liên quan đến các biện pháp trừng phạt Iran. Do vậy, Iran muốn thách thức phương Tây, đặc biệt là để đáp trả các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ vừa ban hành nhắm vào nước này./.

Một số hình ảnh Iran bắn thử tên lửa:

Ảnh: CNN

Ảnh: AFP


Ảnh: Reuters


Ảnh: Reuters


Ảnh: Reuters


Iran kết thúc cuộc tập trận 10 ngày trên eo biển Hormuz với việc phóng thử tên lửa tầm xa cùng một loạt tên lửa khác do nước này tự sản xuất (ảnh: Reuters)
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên