Nga lần đầu tuyên bố chặn hai tên lửa ATACMS Mỹ gửi cho Ukraine
VOV.VN - Trong một cuộc họp báo ngày 25/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng nước này đã đánh chặn hai tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
“Trong 24 giờ qua, lực lượng phòng không đã đánh chặn hai tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất, một tên lửa đất đối không S-200 được chuyển đổi để tấn công các mục tiêu mặt đất, hai tên lửa chống bức xạ HARM và hai tên lửa của hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất”, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ trong một tuyên bố.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga không đưa tin về việc tên lửa ATACMS bị phá hủy.
Tuần trước, Mỹ xác nhận đã chuyển cho Ukraine tên lửa tầm xa ATACMS. Quân đội Ukraine ngày 17/10 đã sử dụng tên lửa ATACMS để thực hiện các cuộc tấn công vào sân bay của Nga ở Berdyansk và Lugansk, hai địa điểm trên lãnh thổ do Nga kiểm soát, nhưng mức độ thiệt hại vẫn chưa được xác nhận.
Tên lửa ATACMS Mỹ gửi tới Ukraine là biến thể sử dụng đạn chùm có khả năng rải 950 quả đạn con trên một khu vực rộng lớn. Biến thể này có tầm bắn chỉ 165km dù một số biến thể khác của ATACMS có tầm bắn lên tới 300km. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng tầm bắn như vậy vẫn đủ hiệu quả để vươn tới hầu hết các căn cứ chính mà Nga sử dụng để hỗ trợ đường không và tiếp tế cho quân đội của Moscow ở Ukraine.
Ukraine nói tên lửa ATACMS có hiệu quả “vượt sự mong đợi”. Kết quả là các cuộc tấn công bằng trực thăng của Nga đã giảm.
Sau khi Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công thành phố cảng Berdyansk trên Biển Azov, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sẽ bắt đầu tuần tra không phận trên Biển Đen bằng tiêm kích MiG-31K được trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal.
Tổng thống Putin khẳng định Nga có thể đẩy lùi các cuộc tấn công bằng ATACMS và những tên lửa tầm xa này sẽ không làm thay đổi hoàn toàn tình hình tại tiền tuyến.
Theo truyền thông phương Tây, Mỹ đã cung cấp khoảng 20 tên lửa ATACMS cho Ukraine.