Nga, Mỹ vẫn đang tìm kiếm đối thoại về Hiệp ước INF
VOV.VN -Moscow mong muốn nối lại cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí với Mỹ thông qua mọi kênh liên lạc có thể, gồm ngoại giao, quân sự.
Trả lời trước báo giới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm nay 11/1 xác nhận, Nga, Mỹ vẫn đang làm việc để có thể tổ chức một cuộc họp giữa hai bên để thảo luận về Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF.
Tổ hợp tên lửa 9M729 phóng thử hồi năm 2015. Ảnh: Vadim Grishankin.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng nhắc lại tuyên bố của Thứ trưởng Bộ này Sergei Ryabkov đưa ra 2 ngày trước, rằng Moscow mong muốn nối lại cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí với Mỹ trong tương lai gần, thông qua mọi kênh liên lạc có thể, gồm ngoại giao, quân sự và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu Mỹ sẵn sàng. Tuy nhiên, nền tảng của các cuộc đối thoại phải dựa trên tính công bằng, bình đẳng.
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Ngày 21/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF.
Tuy nhiên, Moscow khẳng định Nga tuân thủ INF trong khi Mỹ luôn vi phạm. Tổng thống Nga Putin cho rằng, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới./.
Toan tính sâu xa đằng sau việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF
Putin: Nga sẽ thiết kế tên lửa mới để tự vệ nếu Mỹ rút khỏi INF
Nga trình dự thảo nghị quyết lên Liên Hợp Quốc nhằm “cứu” Hiệp ước INF