Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở để không bị “bòn rút” thông tin
VOV.VN - Ngày 15/1, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố, Moscow bắt đầu các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Nga coi đây sự đáp trả tương xứng, khi Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước này vào tháng 11/2020.
Nga đã bắt đầu các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Theo Bộ Ngoại giao Nga, quyết định của Moscow là do Mỹ đã rời khỏi Hiệp ước trước đó "với một cái cớ giả tạo", và các bên tham gia khác không ủng hộ các đề xuất của nước này để thực hiện trong các điều kiện mới.
Thay vì ủng hộ những nỗ lực của Nga, các đồng minh của Mỹ đã có lập trường thụ động, về cơ bản là mong đợi sự nhượng bộ từ Nga. Phát biểu tại phiên họp của Câu lạc bộ quốc tế Valdai hồi cuối tháng 10/2020, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố:
“Người châu Âu nói với chúng tôi: Hãy để họ ra khỏi, nhưng bạn đừng ra . Tôi nói: ‘Tất cả các bạn đều là thành viên NATO, có nghĩa là bạn sẽ bay, chuyển tất cả thông tin này cho người Mỹ, nhưng chúng tôi sẽ không thể làm điều này, bởi vì chúng tôi sẽ vẫn ở trong hiệp ước này. Do đó, chúng ta đừng chơi trò ngu ngốc, mà hãy nói chuyện trung thực với nhau”.
Hiệp ước Bầu trời mở cho phép máy bay do thám tự do bay qua các nước tham gia, nhưng phải được thông báo trước và trong hạn ngạch đã được thiết lập. Cũng theo các thỏa thuận, dữ liệu thu được từ các chuyến bay trong Bầu trời Mở nên được cung cấp cho tất cả các bên khác của thỏa thuận này, tức là chúng không nên được cung cấp cho các bên không phải bên tham gia.
Trong khi đó, trong một phát biểu hồi cuối tháng 11/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov chỉ rõ: “Chúng ta biết rằng người Mỹ hiện đang tích cực "nuôi dưỡng" các thành viên NATO, tất cả các đối tác của họ vẫn ở lại Hiệp ước Bầu trời Mở. Washington yêu cầu họ ký các giấy tờ nêu rõ rằng, khi họ không có Mỹ, họ sẽ vẫn ở trong thỏa thuận này và dữ liệu mà người phương Tây nhận được từ các chuyến bay qua Liên bang Nga phải được chuyển đến Mỹ. Vậy có đúng đắn không? Hoàn toàn không! Mỹ không muốn thể hiện bất cứ điều gì với bất kỳ ai, nhưng chính họ sẽ “bòn rút” thông tin của đồng minh một cách bất hợp pháp”.
Người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế Leonid Slutsky coi việc nước này khởi động thủ tục rút khỏi Hiệp ước là "một phản ứng thỏa đáng" đối với Mỹ và "việc các đối tác châu Âu không hành động để cung cấp bảo đảm cho Nga về việc không chuyển dữ liệu về các chuyến bay quan sát trên lãnh thổ Nga cho phía Mỹ”. Nghị sỹ này cho rằng, sau bước đi của Washington và không có sự bảo đảm từ châu Âu, việc tiếp tục các chuyến bay mang lại rủi ro cho an ninh quốc gia của Nga.
Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Chính trị và quân sự thuộc Khoa Chính trị Thế giới-Đại học Tổng hợp Moscow lưu ý rằng, đối với người Châu Âu, việc Nga rút khỏi Bầu trời Mở là “một đòn khác về mặt phá hủy cơ sở hiệp ước, các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh ở Châu Âu”.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Tham gia Hiệp ước bao gồm hầu hết các quốc gia châu Âu, cùng với Canada với tổng cộng hơn 30 quốc gia. Có hiệu lực từ năm 2002, Hiệp ước cho phép các quốc gia thành viên công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau. Vào cuối tháng 5/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, nước này sẽ rút khỏi thỏa thuận và đến tháng 11, việc này chính thức có hiệu lực. Theo Washington, lý do khiến Mỹ rút khỏi là do Nga liên tục vi phạm các thỏa thuận song Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên./.