Nga tăng cường can dự ngoại giao thúc đẩy giải pháp hòa bình cho Libya
VOV.VN - Người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya Fayez al-Sarraj ngày 2/3 có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Cuộc gặp được giới quan sát nhận định là một dấu hiệu cho thấy sự can dự ngoại giao ngày càng lớn của Nga trong hồ sơ Libya, quốc gia Bắc Phi vẫn đang chìm trong khủng hoảng từ năm 2011.
Ông Fayez al-Sarraj (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters
Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định, chính phủ Nga tin rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể được giải quyết bằng nỗ lực của chính nhân dân Libya, của tất cả các bên tại nước này thông qua đối thoại dân tộc nhằm đi tới một lệnh ngừng bắn.
“Sự thống nhất của nhân dân Libya cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Libya đang bị thử thách. Nga, với tư cách là một quốc gia bạn bè cũng rất mong muốn giúp đỡ Libya vượt qua những khó khăn hiện nay.
Chúng tôi tin rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể được giải quyết bằng chính nỗ lực của nhân dân Libya, của tất cả các phe phái thông qua đàm phán hòa giải dân tộc”, ông Lavrov nói.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh, Chính phủ Nga đang tích cực liên hệ với các phe phái đối lập tại Libya nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình. Mới đây, Tư lệnh quân đội Libya, Tướng Khalifar Haftar, một nhân vật quyền lực ở miền Đông Libya cũng đã tới Moscow.
Tại những cuộc gặp này, Nga đã đề xuất các sáng kiến ngoại giao nhằm thu hẹp bất đồng giữa các bên. Hồi giữa tháng 2 vừa qua, Nga và Ai Cập đã đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán tại Cairo, song thất bại.
Theo Ngoại trưởng Nga Lavrov, Nga bảo vệ mạnh mẽ sự cần thiết của những điều kiện để người dân Libya có thể tự mình giải quyết những vấn đề của mình.
Về phần mình, người đứng đầu chính phủ đoàn kết dân tộc Libya Fayez al-Sarraj cho rằng, Nga có thể đóng một vai trò tích cực theo đó nước này có thể tiếp xúc với tất cả các bên xung đột tại Libya.
“Mối quan hệ giữa Libya và Nga là mạnh mẽ và bền chặt. Chúng tôi sẽ tiếp tục củng ố và tăng cường mối quan hệ ở mọi cấp độ và trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế, chính trị, an ninh và các vấn đề quân sự. Chúng tôi tin rằng Nga có thể đóng một vai trò tích cực”, ông Fayez al-Sarraj nói.
Hơn 5 năm sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn chìm trong hỗn loạn. Khủng hoảng kinh tế cùng suy thoái về chính trị, an ninh, xã hội đang đẩy quốc gia này vào tình trạng tệ hại.
Điều nghiêm trọng hơn, Libya đã trở thành cái nôi của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố, trở thành điểm trung chuyển chính của dòng người di cư từ châu Phi tới các nước châu Âu.
Chính vì thế, các nước phương Tây đều coi chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc hồi năm 2015 là con đường duy nhất để ổn định Libya. Song chính quyền này tới nay vẫn chưa thực thi được bất cứ quyền lực nào trên thực địa. Các lực lượng ủng hộ tướng Khalifar Haftar đã từ chối làm việc với chính phủ hiện nay của Libya./.
Libya đứng trước cơ hội mới chấm dứt 4 năm khủng hoảng