Nga thông qua dự luật về danh sách đen các trang web độc hại

Hiện nay, có 3 loại thông tin bị giám sát trên các trang mạng là khiêu dâm trẻ em, hướng dẫn sản xuất và mua ma túy và hướng dẫn tự tử.  

Duma quốc gia (tức Hạ viện Nga) ngày 11/7, đã thông qua dự luật về “danh sách đen” các trang web có thông tin bị cấm tại LB Nga, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/11/2012.

Theo dự luật này, Nga dự kiến thiết lập Hệ thống thông tin tự động thống nhất mang tên Danh sách thống nhất các tên miền và các trang thông tin trên mạng Internet cũng như các địa chỉ mạng của các trang web có thông tin bị cấm phổ biến trên lãnh thổ LB Nga. Mục đích chính của hệ thống này là hạn chế truy cập các trang có thông tin bị cấm phổ biến trên lãnh thổ LB Nga.

Duma quốc gia ngày 11/7, đã thông qua dự luật về “danh sách đen” các trang web có thông tin bị cấm tại LB Nga (ảnh: Ria)
Hiện nay, có 3 loại thông tin bị giám sát trên các trang mạng là khiêu dâm trẻ em, hướng dẫn sản xuất và mua ma túy và hướng dẫn tự tử. Những thông tin này bị cấm phổ biến này sẽ được thông báo lên Cơ quan giám sát liên lạc Nga.

Cơ quan này sẽ thông báo cho chủ trang web và người cung cấp máy chủ. Chủ trang web cần phải loại bỏ nội dung bị cấm trong vòng 1 ngày đêm, nếu không, đến lượt mình, người cung cấp máy chủ phải loại bỏ nội dung này trong vòng 1 ngày đêm. Nếu nội dung này không bị loại bỏ, trang web sẽ bị đưa vào “danh sách đen” được công khai cho công chúng và các tổ chức điều hành mạng sẽ loại bỏ thông tin này.

Phát biểu tại cuộc họp với các nghị sĩ, Thủ tướng Nga nêu rõ: “Nhìn chung các trang web được hoạt động tự do. Do đó, việc kiểm soát các trang web là hoạt động đầy khó khăn vì khó có thể kiểm soát tất cả hoạt động của chúng. Tuy nhiên, cũng không thể để các trang web hoạt động hoàn toàn ngoài khuôn khổ của quy định pháp luật. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tôn trọng các quyền cơ bản và quyền tự do của mỗi người, trong đó có quyền tự do thông tin và quyền được pháp luật bảo vệ khỏi các nội dung độc hại”.

Dự luật này cũng cho phép khiếu nại nếu thông tin bị loại bỏ gây tranh cãi. Các nghị sĩ Duma cho rằng, cuộc đấu tranh chống các nội dung độc hại trên mạng cần phải tiến hành phối hợp với cộng đồng mạng và các tổ chức xã hội, trong đó chính phủ sẽ giữ vai trò điều phối./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên