Nga - Trung: Thắt chặt đối tác để tạo đối trọng
VOV.VN -Với hơn 40 thỏa thuận hợp tác được ký kết, quan hệ Nga - Trung đang bước vào “giai đoạn vàng”, tạo ra đối trọng đáng gờm với Mỹ và phương Tây.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Nga. Ngoài việc tham dự cuộc họp thường kỳ cấp Thủ tướng lần thứ 19 với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Lý Khắc Cường còn có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ngay trong cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc, Thủ tướng Nga Medvedev đã khẳng định rằng Nga – Trung đang “ở trình độ rất cao của mối quan hệ được định tính là đối tác chiến lược”. Trong khi Trung Quốc gọi Nga là “đối tác có tiềm năng sâu sắc”.
Thủ tướng Nga Medvedev nói: “Muốn biết quan hệ Nga và Trung Quốc, chúng ta phải nhìn vào sự tăng trưởng. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 của Nga, nhưng lại được phía Nga coi như là các nhà đầu tư quan trọng nhất. Tôi nghĩ rằng trong tương lai mức độ đầu tư lẫn nhau với Trung Quốc có thể phát triển cao hơn vị trí hiện nay. Bởi Trung Quốc và Nga là 2 nước láng giềng lớn nhất. Nga có lợi thế về mặt lãnh thổ lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước có dân số lớn nhất thế giới. Hai nước lớn nhất, có nghĩa là nền kinh tế của chúng tôi rất mạnh có thể bổ sung cho nhau".
Sở dĩ Thủ tướng Lý Khắc Cường được Nga đón tiếp trọng thị hơn thường lệ là do chuyến thăm này đã diễn ra vào đúng thời điểm quan hệ Nga và phương Tây đang tổn hại nghiêm trọng xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Cuộc khủng hoảng này mang lại cơ hội lớn cho quan hệ Nga Trung. Chuyến thăm này đánh dấu 38 thỏa thuận được ký kết, trong đó có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ lên tới 25 tỷ USD và thỏa thuận mua bán khí đốt tự nhiên có trị giá 400 tỷ USD trong thời hạn 30 năm.
Thỏa thuận về mua bán khí đốt có giá trị chưa từng có này đã mang lại lợi ích vô cùng lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, đẩy tới hợp tác với Moscow - cùng gần gũi về địa lý và các hành lang vận tải an toàn trên đất liền - Bắc Kinh sẽ giảm bớt sự phụ thuộc về năng lượng vào các nhà cung cấp từ Trung Đông và Châu Phi, thoát khỏi sự hạn chế của các tuyến đường biển như Eo biển Malacca.
Thêm vào đó, Trung Quốc còn có thể tận dụng được bối cảnh thị trường tiêu dùng của Nga đang thiếu nguồn cung, sau khi Chính phủ Nga trả đũa Châu Âu bằng cách cấm nhập nông sản và hàng tiêu dùng từ các thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và dường như các doanh nhân Trung Quốc đã sẵn sàng lấp đầy mọi chỗ trống trên các kệ hàng trong siêu thị Nga từ Moscow đến bán đảo Kamchatka.
Đổi lại, trong khi quan hệ với phương Tây đang khủng hoảng thì việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp Nga ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với nền kinh tế nước này. Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn nhất và là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Nga. Thương mại hai chiều ước tính vượt mốc 90 tỷ USD vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với giá trị thương mại Nga - Mỹ. Trung Quốc và Nga đang phấn đấu làm "tròn số" lên mức 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.
Không khó khăn để nhận ra rằng, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang tạo nên "giai đoạn vàng" trong quan hệ Nga - Trung ở thế kỷ 21. Giới phân tích nhận định, sự gắn kết này đang là một đối trọng không hề nhỏ đối với Mỹ và phương Tây./.