Nga vượt rào cản lớn cuối cùng để hoàn thành dự án đưa khí đốt tới châu Âu
VOV.VN - Đan Mạch ngày 30/10 đã cấp phép cho dự án khí đốt của Nga, xây dựng 1 phần đường ống khí đốt tự nhiên ở thềm lục địa nước này trên Biển Baltic.
Quyết định này được cho là đã giúp Nga dỡ bỏ rào cản lớn cuối cùng đối với dự án đưa khí đốt tới châu Âu, vốn đã làm các thành viên Liên minh châu Âu chia rẽ thời gian qua, cũng như làm gia tăng khoảng cách giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu.
Nga đã vượt qua rào cản lớn cuối cùng để hoàn thành dự án đưa khí đốt tới châu Âu. Ảnh: Reuters |
Dự án phương Bắc 2 nối Nga với Đức qua biển Baltic, có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt đến châu Âu. Dự án này đã hoàn thành đến 90%, nhưng cần chờ sự ủng hộ của Đan Mạch. Các quan chức cảnh báo sự trì hoãn của Đan Mạch có thể khiến lỡ kế hoạch khánh thành vào cuối năm nay, dẫn đến những khó khăn trong việc cung cấp khí đốt cho khu vực Tây Âu trong mùa Đông tới.
Trong một tín hiệu bật đèn xanh cho Dự án của Nga, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch hôm 30/10 cho biết "đã cấp phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 xây dựng một phần đường ống khí đốt tự nhiên ở thềm lục địa của Đan Mạch thuộc Đông Nam đảo Bornholm trên Biển Baltic".
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay lập tức hoan nghênh bước đi này của Đan Mạch: “Chúng tôi hoan nghênh quyết định này. Đan Mạch đã chứng minh là một quốc gia có trách nhiệm, đảm bảo lợi ích và chủ quyền của mình, cũng như lợi ích của các đối tác tại châu Âu- những người cũng đang có quan tâm lớn đến việc đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng của Nga tới châu Âu”.
Ngay sau khi nhận được sự ủng hộ của Đan Mạch, phía Nga cho biết sẽ bắt đầu làm việc tại khu vực hải phận của Đan Mạch trong những tuần sắp tới.
Dự án dòng chảy phương Bắc 2 thời gian qua đã làm nổ ra những tranh cãi chính trị giữa các nước Liên minh châu Âu cũng như giữa Mỹ với châu Âu. Dự án nhận được sự ủng hộ của Đức, nhưng nhiều nước châu Âu chỉ trích cho rằng đây là một dự án chính trị, khiến Liên minh châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng dự án sẽ khiến Đức trở thành con tin của Nga, đồng thời cảnh báo sẽ trừng phạt những thực thể liên quan đến dự án.
Khi hoạt động đầy đủ, dự án sẽ cho phép Tập đoàn Gazprom đa dạng hóa hành trình cung cấp khí đốt, hiện phụ thuộc nhiều vào Ukraine. Điều này khiến một số quốc gia Baltic và Ba Lan phản đối, cho rằng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Ukraine. Để xoa dịu lo ngại này, phía Đức khẳng định việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine phải được tiếp tục, đồng thời nhấn mạnh đường ống sẽ đem lại nguồn cung năng lượng ổn định với giá cả phải chăng cho châu Âu./.