Ngăn chặn làn sóng chống Mỹ của người Hồi giáo
(VOV) - Mỹ và các quốc gia Trung Đông đang nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh cho các nhân viên ngoại giao Mỹ.
Các cuộc biểu tình chống Mỹ ngày càng lan rộng vào ngày 13/9, và các đại sứ quán của Mỹ tại nhiều nước tiếp tục là mục tiêu của các vụ tấn công của người Hồi giáo.
Trước tình hình căng thẳng, chính phủ Mỹ và các quốc gia Trung Đông đang gấp rút tăng cường các nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh cho các nhân viên ngoại giao Mỹ tại các nước này.
Hàng trăm người Yemen đã phá vỡ cổng chính và xông vào khu vực đại sứ quán Mỹ (ảnh: AP) |
Hàng trăm người Yemen ngày 13/9, đã phá vỡ cổng chính và xông vào khu vực đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Sanaa. Họ đập vỡ cửa sổ của văn phòng an ninh bên ngoài đại sứ quán và đốt cháy nhiều xe hơi.
Một nguồn tin an ninh cho biết ít nhất 15 người đã bị thương. Tại Ai Cập, người biểu tình ném đá vào hàng rào cảnh sát xung quanh Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Cairo sau khi xâm nhập vào khu vực đại sứ quán và xé rách cờ Mỹ. Trong khi đó, khoảng 200 người biểu tình cũng đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại Kuwait với nhiều biểu ngữ chống Mỹ. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại Bangladesh và Iran.
Người Hồi giáo tại Sudan và Ai Cập cũng kêu gọi một cuộc biểu tình hàng loạt sau lễ cầu nguyện vào ngày 14/9.
Trước tình hình bạo lực có dấu hiệu gia tăng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 13/9 đã có tuyên bố khẳng định, bộ phim bị cho là phỉ báng người Hồi giáo đáng bị chỉ trích và chính phủ Mỹ hoàn toàn bác bỏ nội dung và thông điệp của bộ phim này, song bà cũng lên án các hành động đáp trả một cách bạo lực xảy ra tại một số nước Trung Đông trong những ngày vừa qua.
Bà Clinton nói: “Chúng tôi đã mất đi 4 công dân của nước Mỹ. Họ đều là những con người dũng cảm. Họ đã cam kết cho sự nghiệp xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Lybia. Chúng tôi lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực chống lại các nhân viên ngoại giao của chúng tôi ở Bengadi, Ai Cập và Yemen”.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ B.Obama, người đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa đầy 2 tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cho biết ông và các quan chức khác của Chính phủ Mỹ đã và đang tiếp tục liên hệ với các nhà lãnh đạo các nước, yêu cầu họ có trách nhiệm trong việc bảo vệ các phái bộ ngoại giao và công dân Mỹ. Theo các quan chức Mỹ, vụ tấn công này có thể đã được lên kế hoạch từ trước bởi một nhóm có liên kết với Al Qaeda.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án các vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ đồng thời cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho các nhân viên ngoại giao của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters vào ngày 13/9, Thủ tướng Libya Mustafa Abu Shagour cho biết, ông đã có cuộc gặp với các đại diện của chính phủ các nước tại Lybia và đảm bảo an ninh cho những người này trong bối cảnh những cuộc biểu tình chống Mỹ lan rộng.
Thủ tướng Shagour nói: “Chúng tôi đã có cuộc gặp với đại diện các chính phủ nước ngoài vào ngày 13/9 và đảm bảo sẽ nỗ lực bảo vệ họ. Chúng tôi đã tăng cường các lực lượng an ninh xung quanh các đại sứ quán. Lybia đang làm việc chặt chẽ với các đại sứ quán, và họ đều cho chúng tôi thấy rằng họ sẽ tiếp tục ở lại để hỗ trợ người dân Lybia”.
Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu sự căng thẳng tại Ai Cập, Tổng thống Ai Cập Mursi nhấn mạnh các cuộc tấn công nhằm vào các nhân viên Mỹ là không thể chấp nhận được. Tổng thống Yemen cũng đã nhanh chóng gửi lời xin lỗi đến nước Mỹ về vụ tấn công đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Sanaa, đồng thời ra lệnh điều tra vụ việc này.
Tổng thống Nga V.Putin đã gọi cái chết của Đại sứ Mỹ tại Bengadi là một thảm kịch và cho biết chính sự hỗ trợ của phương Tây cho các nhóm nổi dậy ở các quốc gia Arab đã gây nên sự hỗn loạn này./.