Lò rượu bên… chuồng lợn

Dạo một vòng quanh thôn Chi Nê, đâu đâu cũng thoang thoảng mùi men, bã rượu bốc lên, nước thải đen kịt

Thôn Chi Nê, xã Trung Hoà, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) lâu nay nức tiếng với nghề sản xuất rượu truyền thống. Không ai ngờ, đằng sau sự nức tiếng không dễ có được ấy, một thực trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc, tiến hành kiểm tra.

Rượu đựng trong săm ô tô!

Bà Nguyễn Thị Bảy, một chủ lò rượu ở thôn Chi Nê cho chúng tôi biết, nghề truyền thống nấu rượu của gia đình bà đã có từ rất lâu, nguồn thu từ việc nấu rượu nuôi lợn không những giúp gia đình bà nuôi các con ăn học mà còn có của ăn của để. Hồ hởi tiếp nhóm phóng viên, bà Bảy dẫn chúng tôi xuống khu nấu rượu của gia đình ngay gần đó. Lò rượu nhà bà Bảy nằm ngay cạnh chuồng lợn. Hỏi bà về việc sản xuất như vậy có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hay không, với giọng nói sang sảng, bà Bảy khẳng định, đặt lò rượu cạnh chuồng lợn vẫn… đảm bảo vệ sinh!? Khi chúng tôi hỏi, loại men nào bà dùng để ủ rượu, bà Bảy ậm ừ và giấu nhẹm thông tin về xuất xứ loại men mà bà đã mua để nấu rượu.

Tìm hiểu thêm quy trình sản xuất rượu, chúng tôi được biết, bà Bảy tận dụng tất cả các loại thùng nhựa đã từng đựng xà phòng của hãng Tide, thùng đựng thức ăn cho lợn… để ủ gạo lên men. Rượu thành phẩm thì được đựng trong… săm ô tô.

Chúng tôi cảnh báo bà về việc đựng rượu trong săm ô tô, ủ gạo trong thùng nhựa sẽ tăng nguy cơ nhiễm độc đối với người sử dụng. Cũng vẫn giọng sang sảng, bà Bảy giải thích: “Săm ô tô tôi mua về đều được cọ rửa sạch sẽ rồi mới rót rượu vào. Việc đựng rượu trong săm ô tô tôi đã làm 2 năm nay, không có vấn đề gì. Các thùng nhựa ủ gạo cũng thế, phải được rửa sạch thì mới dùng. Các anh cứ yên tâm, không vấn đề gì”.(?)

Rượu được đóng vào săm ô tô

Cũng giống như hộ bà Bảy, lò nấu rượu Hứa Hạnh (thôn Chi Nê) cũng nằm cạnh chuồng lợn, bất chấp các mùi xú uế bốc lên, ruồi nhặng bay ra bám đầy thùng nhựa… Chủ cơ sở khẳng định: Đảm bảo vệ sinh, không vấn đề?.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Ngô Thanh Vân, cán bộ phụ trách y tế huyện Chương Mỹ cho hay, tại thôn Chi Nê có khoảng 212 gia đình chuyên nấu rượu với quy trình sản xuất thủ công. Lý giải việc các gia đình đặt lò rượu cạnh chuồng lợn, rượu và gạo lên men được bảo quản sai quy cách, ông Vân cho hay, đó là thói quen từ trước của người dân. Thời gian tới, huyện sẽ kết hợp với xã, thôn tuyên truyền để bà con hiểu, chấp hành nghiêm túc việc đảm bảo ATVSTP…

Được biết, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế Hà Nội chủ trì đã tiến hành lấy mẫu tại một số hộ sản xuất rượu ở thôn Chi Nê để kiểm tra các yếu tố lý hoá, hàm lượng methanol trong các mẫu rượu. Sở Y tế Hà Nội sẽ tiến hành công bố kết quả trong thời gian gần đây.

Dùng rượu vô tội vạ!

Tưởng chừng trước thông tin cảnh báo hàng loạt người chết vì ngộ độc rượu sẽ làm các đệ tử của “lưu linh” phải dè chừng, thế nhưng, không khí “chén chú, chén anh” tại các quán nhậu vẫn không hề thuyên giảm. Người uống cứ uống, chẳng mấy ai quan tâm tới chất lượng, xuất xứ của các chai rượu được chủ quán đặt lên bàn nhậu.

Tại các quán High Way 4 nằm trên đường Mai Hắc Đế, quán Giang Béo trên đường Ngọc Hồi (Hà Nội)… đồng hành với tiếng “zô” vang dội là những chén rượu đầy, được uống hết trong nháy mắt. Tiếp cận một bàn nhậu tại quán Giang Béo, chúng tôi được một “bợm” nhậu tên Hùng, nhà ở Trương Định (Hà Nội) cho biết, loại rượu họ đang uống là rượu tai mèo, uống vào ngọt như nước sirô, say thì phải biết. Khi đặt vấn đề chai rượu các anh đang dùng không có nhãn mác, hạn sử dụng, “bợm” nhậu này cười vang: “Tôi uống nhiều rồi có làm sao đâu?”. Chúng tôi cảnh báo về tác hại của methanol (CH3OH) đối với cơ thể, “bợm” nhậu này tắc lưỡi: “Cứ uống đã, có bị bệnh thì tính sau…”! Qua trao đổi với nhân viên của quán này, chúng tôi được biết, mấy ngày hôm nay, thời tiết mát mẻ nên lượng người tới các quán nhậu tương đối nhiều. Khi chúng tôi tỏ ra băn khoăn về việc rượu đem ra phục vụ khách hàng không có tem, nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhân viên này khẳng định: “Yên tâm đi, rượu ở đây luôn luôn đảm bảo chất lượng…”(?)

Tại các quán cóc nằm ven cổng trường Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Xây dựng, Đại học Hà Nội… chúng tôi nhận thấy khá đông sinh viên đang ngồi nhậu. Tiếp cận một bàn nhậu gần trường Đại học Kinh tế quốc dân, sinh viên tên Đức cho chúng tôi biết, em đang học ở trường Đại học Mỏ địa chất sang đây chơi với bạn. Sinh viên nghèo không có tiền uống bia, có quả cóc, đĩa ốc và chai rượu là tốt lắm rồi…

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh sự thiếu ý thức và thiếu hiểu biết của người sản xuất trong việc đảm bảo ATVSTP tại các làng nghề, như: làng nghề làm kẹo (cho thêm bột đá) ở huyện Hoài Đức (Hà Nội); làng nghề nấu rượu ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; làng nấu rượu ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội… Và gần đây nhất là thông tin hàng chục người bị ngộ độc rượu phải vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mê man, và đã có 10 người trong số đó tử vong vì uống phải rượu có hàm lượng methanol quá cao.

Trước thực trạng, điều kiện ATVSTP của một số làng nghề đang ở mức báo động, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần kiên quyết vào cuộc để kịp thời ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, nhất là khi Tết Nguyên đán đã cận kề - thời điểm tiêu thụ rượu mạnh nhất trong năm./.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
Dùng săm ô tô đựng rượu, chưa đảm bảo quy định về bao bì

Chủ cơ sở sản xuất rượu phải chịu trách nhiệm về điều kiện ATVSTP, quy chế bao bì, nhãn mác. Và phải chịu trách nhiệm dân sự, hình sự khi sản phẩm của mình gây tác hại tới sức khoẻ của người tiêu dùng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên