Nghi vấn về an toàn hạt nhân của Pakistan

Mỹ và Pakistan đang thảo luận một thoả thuận bí mật, cho phép quân đội Mỹ hỗ trợ đảm bảo an ninh cho các kho hạt nhân của Pakistan trong trường hợp xảy ra sự cố.  

Thông tin được đăng trong bài điều tra trên tạp chí Người New York vào tuần trước đang gây ra một cuộc tranh cãi nảy lửa. Dù chính quyền Mỹ và Pakistan đã lên tiếng phủ nhận thông tin này, song rõ ràng sự việc một lần nữa cho thấy, có thêm nghi vấn về độ an toàn của các kho hạt nhân của Pakistan.

Theo ông Si-mơ Hớt-sh- tác giả bài điều tra, chính quyền Mỹ đang đàm phán "các thoả thuận nhạy cảm cao với quân đội Pakistan" cho phép các đơn vị quân đội được huấn luyện đặc biệt của Mỹ “hỗ trợ an ninh cho kho hạt nhân của Pakistan trong trường hợp xảy ra khủng hoảng". Cụ thể về các điều khoản đang được thảo luận, ông Si-mơ Hớt-sh viết: “Theo những gì tôi được nhận thông tin, trong trường hợp xảy ra mất kiểm soát ở một vùng hẻo lánh hoặc ở một cơ sở nào đó, phía Mỹ sẽ giúp đỡ triển khai một lực lượng đặc biệt đã được huấn luyện đã có mặt sẵn sàng ở một địa điểm nào đó của Pakistan, phối hợp, hỗ trợ các lực lượng Pakistan để đối phó. Việc bảo vệ các cơ sở hạt nhân của Pakistan luôn được Washington quan tâm đặc biệt. Nhưng vấn đề là hình ảnh của người Mỹ, nước Mỹ ở Pakistan hiện giờ không hề tốt đẹp. Do đó, nếu một thoả thuận như thế thực sự tồn tại và được biết đến ở Pakistan, sẽ được người dân nơi đây coi là một nỗi sỉ nhục đối với chủ quyền đất nước, sẽ làm gia tăng tâm lý chống Mỹ và gây tổn hại cho quan hệ giữa hai nước cũng như cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại đây”.

Bài báo cũng dẫn lời một cố vấn thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, trong mùa hè này một nhóm phản ứng khẩn cấp tối mật quân sự và dân sự Mỹ đã được đặt trong tình trạng báo động sau khi nhận được một thông tin tình báo rằng một "bộ phận hạt nhân của Pakistan đã bị thất lạc". Nhóm này ngay lập tức được phái đi và đã đến Dubai trước khi họ được thông báo thông tin này là một cảnh báo sai.

Bài báo ngay sau đó vấp phải sự phản đối và chỉ trích nặng nề từ phía chính quyền Mỹ và Pakistan nên chưa thể kiểm chứng độ chính xác của thông tin. Nhưng thực trạng đáng lo ngại về các cơ sở hạt nhân của Pakistan khiến người ta cho rằng khả năng Mỹ tìm cách can thiệp vào là hoàn toàn có cơ sở. Pakistan hiện tìm cách bảo vệ số vũ khí hạt nhân bằng cách cất giữ riêng rẽ các đầu đạn hạt nhân, ngòi nổ, tên lửa đẩy ở các cơ sở khác nhau và được các lực lượng tinh nhuệ canh gác. Tất cả các đầu đạn đều được cất giữ tách biệt nhau ở các cơ sở ngầm dưới đất và được trang bị “khoá điện tử” đề phòng trường hợp rơi vào tay lực lượng khủng bố. Phát ngôn viên của quân đội Pakistan tuyên bố “các cường quốc trên thế giới đều nhận thấy rõ là hệ thống bảo quản này là không có kẽ hở”.

Tuy nhiên, hiện đang nảy sinh nhiều nghi vấn về mức độ an toàn được Mỹ và Pakistan khẳng định là “tuyệt đối” này. Nhiều chuyên gia cho rằng, các kho vũ khí hạt nhân không còn an toàn so với cách đây 5 năm. Có sự khác biệt lớn giữa việc tấn công một cơ sở hạt nhân với việc chiếm giữ và sử dụng các thiết bị hạt nhân trong đó. Trước cả hai nguy cơ này, Pakistan đều không thể đảm bảo chắc chắn. Các vụ đánh bom táo bạo do Taliban tiến hành hồi tháng trước đánh thẳng vào tổng hành dinh của quân đội Pakistan cho thấy, ngay đến trung tâm đầu não này cũng không phải là “bất khả xâm phạm”. Nguy hiểm nhất, khả năng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các thiết bị hạt nhân càng mong manh. Bản thân cách thức bảo quản riêng rẽ của Pakistan lại đặt ra nguy cơ các bộ phận hạt nhân có thể bị chiếm giữ trên đường vận chuyển. Cũng có chuyên gia đưa ra một kịch bản khá thực tế với tình hình ở Pakistan là các nhà khoa học đang làm việc tại các cơ sở hạt nhân có tình cảm với phiến quân và cung cấp thông tin cho những phần tử cực đoan nổi dậy.

Tác giả Si-mơ Hớt-sch còn viết: “Chúng ta không biết thực sự vấn đề hiện nay ra sao. Nhưng cứ nhìn vào tình hình ở Pakistan hiện nay thì thấy, an ninh bất ổn, nhất là vụ tấn công vào Tổng hành dinh quân đội Pakistan mới đây- nơi được ví như “Lầu Năm Góc” của Pakistan. Thêm vào đó, cũng bắt đầu xảy ra một số sự cố, khiến không phải là vô lý và quá lo xa khi nghĩ đến nguy cơ bọn khủng bố tại đây có thể sở hữu vũ khí hạt nhân”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên